Định hướng ngành nghề và cơ hội việc làm

16/02/2014 03:00 GMT+7

* Đài phát thanh - truyền hình Bình Phước trực tiếp chương trình lúc 8 giờ 30 hôm nay * Điện thoại nóng: 06513 503000 - 06513 504000 - 06513 505000 Sáng 15.2, hơn 2.000 học sinh lớp 12 tại TP.Biên Hòa (Đồng Nai) đã có mặt tại Trường THPT Bùi Thị Xuân để nghe các chuyên gia giải đáp thắc mắc về quy chế, ngành nghề, cơ hội việc làm…

* Đài phát thanh - truyền hình Bình Phước trực tiếp chương trình lúc 8 giờ 30 hôm nay
* Điện thoại nóng: 06513 503000 - 06513 504000 - 06513 505000

Sáng 15.2, hơn 2.000 học sinh lớp 12 tại TP.Biên Hòa (Đồng Nai) đã có mặt tại Trường THPT Bùi Thị Xuân để nghe các chuyên gia giải đáp thắc mắc về quy chế, ngành nghề, cơ hội việc làm…

 Định hướng ngành nghề và cơ hội việc làm
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) tham gia chương trình Tư vấn mùa thi diễn ra ngày hôm qua - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức được Đài phát thanh - truyền hình Đồng Nai phát sóng trực tiếp. 

Ngành nào “nóng” trong những năm tới ?

Ngay đầu chương trình, học sinh (HS) được các chuyên gia tư vấn cung cấp những thông tin mới nhất về kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, lưu ý: “Trong năm nay có một số điểm mới mà HS cần quan tâm. Đó là Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ thay đổi chính sách ưu tiên trong tuyển sinh. Theo đó, đối tượng ưu tiên 1 và khu vực 1 bị thu hẹp. Chẳng hạn trước đây tỉnh Đồng Nai có 6 huyện thuộc khu vực 1 (cộng 1,5 điểm), thì nay có thể chỉ còn lại 2 thôn xã đặc biệt khó khăn mới được cộng 1,5 điểm. Mới đây, Bộ cũng đã công bố danh sách 207 ngành của 71 trường ĐH-CĐ bị dừng tuyển sinh. Danh sách này có thể thay đổi trong thời gian tới. Hiện nay các trường đang hoàn tất hồ sơ để xin được tuyển sinh năm 2014. Các em nên xem thông tin tuyển sinh trực tiếp từ website của các trường để biết năm 2014 những ngành nào được phép tuyển sinh”.

Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ cũng cho biết thêm về phương án tuyển sinh riêng của các trường ĐH-CĐ đang được Bộ xem xét. Trong đó, về cơ bản vẫn dựa trên thi tuyển “3 chung”, ngoài ra thêm hình thức xét tuyển kết quả THPT. Đối với các trường năng khiếu thì tổ chức thi riêng do đặc thù ngành nghề.

Quan tâm đến việc chọn ngành nghề, Phạm Thị Mỹ Kim, HS Trường THPT Nam Hà hỏi: “Thưa các thầy cô, ngành nào sẽ trở thành các ngành “nóng” trong các năm tới? Thạc sĩ Nguyễn Phước Hải, Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, đưa ra lời khuyên: “Muốn biết được xu hướng ngành nghề trong các năm tới, các em cần quan tâm nhiều đến sự vận động của nền kinh tế đất nước. Nhất là tại địa phương mình, tìm hiểu xem lĩnh vực nào trọng yếu, giáo dục hay kinh tế hay công nghệ, có những điều kiện thuận lợi nào để phát triển… Nắm bắt được những thông tin đó, các em sẽ nhận định được những ngành nào sẽ thu hút trong tương lai”. 

 

Báo Thanh Niên cảm ơn sự hỗ trợ của Sở GD-ĐT Đồng Nai, Sở Giao thông vận tải, Trường THPT Bùi Thị Xuân, các doanh nghiệp Vietravel, Tổng công ty thực phẩm Đồng Nai, Trường CĐ nghề Công nghệ và quản trị Sonadezi, VNPT Đồng Nai và một số đơn vị, cá nhân khác.

Định hướng ngành nghề và cơ hội việc làm

Lo ngại bằng giỏi vẫn khó kiếm việc

Có rất nhiều câu hỏi xoay quanh việc trúng tuyển và cơ hội việc làm sau khi ra trường. Nguyễn Thị Mai Lan, HS Trường THPT Nam Hà, băn khoăn: “Gần đây, nhiều sinh viên ra trường bằng giỏi vẫn không kiếm được việc làm và bị thất nghiệp rất lâu. Em mong các thầy cô tư vấn làm sao để ra trường không bị thất nghiệp?".

Thạc sĩ Dương Tôn Thái Dương, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhìn nhận: “Thị trường lao động không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn mà còn đòi hỏi kỹ năng nghề nghiệp như làm việc nhóm, thuyết phục, giao tiếp, khả năng vận hành công việc. Bên cạnh đó, thái độ làm việc trong giai đoạn hội nhập phải chuyên nghiệp, luôn tìm tòi học hỏi, không lùi bước… mới có thể cạnh tranh với lao động trong khu vực ASEAN và các nước trên thế giới. Lúc đó, dù tốt nghiệp loại giỏi hay khá mới có được việc làm ổn định như mong muốn”.

Thạc sĩ Trần Tiến Khoa, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, bổ sung thêm: “Các em phải tìm hiểu các nhà tuyển dụng cần người làm việc như thế nào? Bên cạnh việc nắm vững chuyên môn, khi vào trường ĐH sinh viên cần tìm mọi cơ hội để tự rèn luyện kỹ năng mềm. Đó là tham gia các công tác xã hội, đoàn thể, CLB để phát triển kỹ năng. Nhà tuyển dụng không chỉ quan tâm đến điểm số mà còn chú ý quá trình học ĐH bạn đã làm được những gì, tham gia những hoạt động nào?”. 

Ngành nào dễ đậu, thu nhập cao ?

HS Nguyễn Thị Thu, Trường THPT Lê Hồng Phong, phân vân giữa ngành điều dưỡng và dược sĩ, ngành nào dễ đậu hơn và ra trường có thể làm việc ở đâu? PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết: “Tốt nghiệp ngành điều dưỡng các em sẽ làm việc trong bệnh viện, chăm sóc bệnh nhân. Học ngành dược ra sẽ làm việc trong các xí nghiệp sản xuất dược phẩm, phân phối dược phẩm, nhà thuốc, bệnh viện, hoặc làm công tác dược lâm sàng. Trong những năm qua, điểm chuẩn ngành dược khá cao, dao động từ 26-27 điểm. Ngành điều dưỡng thấp hơn, khoảng 22-23 điểm”. Tiến sĩ Đặng Văn Tịnh lưu ý thêm, ngành dược ĐH còn được đào tạo tại một số trường ngoài công lập với điểm chuẩn thấp hơn như ĐH Lạc Hồng, Nguyễn Tất Thành…

Trong khi đó, Nguyễn Hoàng Hiền, HS Trường THPT Bùi Thị Xuân, thổ lộ: “Em nghe nói lĩnh vực nông lâm rất cần nguồn nhân lực, nhưng điểm chuẩn mấy năm rồi tăng cao. Vậy năm nay ngành nào trong nhóm ngành nông lâm dễ đậu, làm việc ở thành thị, thu nhập cao mà không phải… lội bùn?”.

Thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, tư vấn: “Đúng là năm 2013 điểm chuẩn các trường đều tăng so với những năm trước. Tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, các ngành đều tăng từ 3-5 điểm. Tuy nhiên, có một số ngành kinh tế, kế toán, quản trị kinh doanh, sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, sư phạm kỹ thuật công nghiệp… cơ hội đậu rất cao mà các em có thể làm ở thành thị với mức lương khá cao tùy thuộc vào năng lực cống hiến”.

Sáng nay, chương trình tiếp tục diễn ra buổi tư vấn cộng đồng cho hơn 1.500 học sinh tỉnh Bình Phước tại Nhà văn hóa tỉnh. Đài phát thanh - truyền hình tỉnh Bình Phước sẽ phát sóng trực tiếp từ 8 giờ 30 đến 10 giờ 30. Phụ huynh và học sinh có thể đặt câu hỏi qua các số điện thoại nóng 06513 503000 - 06513 504000 - 06513 505000 để được tư vấn.

Mỹ Quyên

>> Khai mạc chương trình 'Tư vấn mùa thi 2014
>> Sáng nay khai mạc chương trình Tư vấn mùa thi 2014 
>> Tư vấn truyền hình trực tuyến: Lưu ý thi khối ngành kỹ thuật, công nghệ 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.