Tuyển sinh ĐH, CĐ: Cách làm tốt bài thi

21/06/2014 08:55 GMT+7

Từ những thay đổi trong đề thi tốt nghiệp THPT vừa qua và xu hướng ra đề thi những năm trước, các giáo viên đưa ra những lưu ý giúp thí sinh làm tốt bài thi.

Từ những thay đổi trong đề thi tốt nghiệp THPT vừa qua và xu hướng ra đề thi những năm trước, các giáo viên đưa ra những lưu ý giúp thí sinh làm tốt bài thi.

Tuyển sinh ĐH, CĐ: Cách làm tốt bài thi
Học viên tham gia lớp luyện thi tại một trung tâm luyện thi ở TP.HCM chiều 20.6 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Kiến thức nền + chiến thuật làm bài môn toán

Giải được bài toán khó là sự rèn luyện tinh tế. Kiến thức nền vững chãi kết hợp với chiến thuật làm bài thi tốt, thí sinh có nhiều cơ hội để đạt điểm số tuyệt đối.

Đề thi này sẽ bao gồm kiến thức của 3 chương trình cả lớp 10, 11 và 12. Tuy nhiên, kiến thức lớp 12 sẽ chiếm khoảng 7 điểm. Với cách phân bố câu hỏi tương ứng với từng số điểm, kết hợp với các thế mạnh về kiến thức của bản thân, khi làm bài thí sinh cần ưu tiên cho câu hỏi dễ.

Trong quá trình giải từng bài toán, để tránh sai sót không đáng có, thí sinh cần có thói quen cẩn thận trong tính toán - suy luận, trong mỗi phép toán cố gắng thử lại thật nhanh, mỗi loại toán đều cố tìm cách thử thật nhanh. Với từng loại bài toán, thí sinh cần những lưu ý riêng.

Thầy Nguyễn Ngọc Thu
(Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM)

Hiểu sâu kiến thức sách giáo khoa môn lý

Trong 50 câu hỏi, phần trắc nghiệm lý thuyết từ 10 đến 12 câu, đa số rơi vào dao động âm, dao động tắt dần, duy trì hay cưỡng bức, một phần ở động cơ điện, máy phát điện, các tính chất đặc trưng của ánh sáng, các hiện tượng thế hiện tính hạt, tính sóng... Có khoảng từ 3 đến 4 câu về vật lý vi mô, phóng xạ và hạt nhân... Để làm tốt các dạng lý thuyết này, thí sinh không những phải thuộc bài mà còn phải hiểu rõ sâu sắc các kiến thức trong sách giáo khoa.

Còn lại là các câu hỏi tính toán, dạng một bài toán tự luận thu nhỏ.

Trần Quang Phú
(Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM)

Chú ý bài đọc hiểu tiếng Anh

Những năm gần đây, đề thi tuyển sinh ĐH,CĐ môn tiếng Anh rất cơ bản, bám sát nội dung học của chương trình THPT. Đề thi không có các câu hỏi bẫy hay đánh đố. Vì vậy, nếu các em trang bị cho mình kiến thức ngữ pháp căn bản, vốn từ vựng tốt, cộng với chiến thuật làm bài thi hợp lý thì việc đạt được điểm cao ở kỳ thi này không nằm ngoài khả năng của các em.

Đề thi bao gồm 80 câu trắc nghiệm, có thể chia ra 2 nhóm: nhóm câu hỏi gồm 50 câu về âm tiết, trọng âm, từ vựng, cấu trúc câu, thì, từ nối câu…; Nhóm câu hỏi về đọc hiểu gồm 3 bài đọc, mỗi bài 10 câu hỏi.

Khi làm bài thi, các em nên ưu tiên giải quyết trước nhóm 50 câu hỏi, bởi đây là phần đề thi dễ kiếm điểm hơn phần đọc hiểu. Với 3 bài đọc hiểu, các em nên làm bài điền từ vào chỗ trống trước, vì so với 2 bài đọc hiểu còn lại, phần bài thi này tương đối dễ hơn. Ngay cả hai bài đọc hiểu cũng có độ khó chênh nhau cả về từ vựng lẫn nội dung câu hỏi. Vì vậy để xác định được nên làm bài đọc hiểu nào trước, các em nên đọc lướt qua đoạn đầu tiên của cả hai bài đọc, sau đó cân nhắc xem bài nào dễ hiểu hơn thì ưu tiên làm trước.

Với nhóm 50 câu hỏi có 40 phút thực hiện, mỗi câu chỉ dành khoảng từ 30 - 45 giây. Đọc kỹ từng câu hỏi một, cân nhắc từng chọn lựa, loại bỏ những phương án sai bằng phương pháp loại suy. Chú ý đọc kỹ các thành phần trước và sau chỗ trống để tìm phương án thích hợp nhất.

50 phút còn lại dành để hoàn thiện nhóm câu hỏi đọc hiểu. Trong đó, với dạng bài đọc điền vào chỗ trống (10 - 15 phút), đọc lướt qua toàn bộ bài đọc (2 phút). Lần đọc này các em đừng chú ý đến từ mới trong bài đọc, mà nên đọc để nắm ý chính của bài. Sau đó đọc kỹ đoạn văn, phân tích từ loại, cú pháp, ý nghĩa của câu để chọn đáp án đúng. Đối với dạng bài đọc hiểu, dành 15 - 20 phút mỗi bài. Dành 3 phút đọc lướt toàn bộ bài đọc để nắm ý chính. Sau đó đọc kỹ từng câu hỏi, gạch dưới những từ khóa của mỗi câu hỏi để xác định nội dung câu hỏi. Thông thường, bài đọc có từ 5 đến 6 đoạn ngắn. Mỗi đoạn có chứa thông tin cho các câu hỏi. Thứ tự câu hỏi thường theo mạch văn của bài. Vì vậy, mỗi đoạn văn thường chứa câu trả lời cho 2 câu hỏi. Thí sinh cần lưu ý rằng trong các câu hỏi người ta thường dùng từ, hoặc cụm từ đồng nghĩa với từ, hoặc cụm từ trong bài đọc.

Thầy Hà Ngọc Hiển
(Trường THPT Võ Thị Sáu, TP.HCM)

Tránh hấp tấp khi đọc đề thi môn hóa

Đề thi tuyển sinh ĐH môn hóa từ năm 2007 tới nay, phần lý thuyết cơ bản thường đề cập đến các nội dung: nguyên tử, bảng hệ thống tuần hoàn, phản ứng ô xy-khử, tốc độ phản ứng, sự điện ly; Phần phi kim gồm: cacbon-silic, nitơ-photpho, ô xy-lưu huỳnh, halogen; Phần kim loại gồm: đại cương về kim loại, kim loại kiềm, kim loại kiềm thổ, nhôm, sắt, crom; Phần hữu cơ gồm: hydrocacbon, ancol, phenol, andehit, a xít hữu cơ, este, lipit, amin, amino axít, cacbohydrat và polyme.

Trong đó phần lý thuyết gồm 25 câu hỏi. Dù là lý thuyết nhưng các câu hỏi thường yêu cầu khả năng lý luận, có sự vận dụng lý thuyết để giải quyết vấn đề. Học sinh không được hấp tấp mà phải đọc thật kỹ đề để tránh nhầm lẫn đáng tiếc.

Các bài toán chiếm khoảng 25 câu gồm có: dạng toán cơ bản, mức độ giải quyết khoảng 1 phút/câu (khoảng 20% số lượng bài toán), bài toán có suy luận (khoảng 50%) và dạng toán khó (khoảng 30%). Để giải tốt các bài toán, các em phải biết cách giải theo phương trình phản ứng hóa học và giải theo các định luật.

Thạc sĩ Bùi Văn Thơm
(Trường THPT Vĩnh Viễn, TP.HCM)

Đi thẳng vào vấn đề

Năm 2014, Bộ GD-ĐT không ban hành cấu trúc đề thi các môn. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, cấu trúc đề thi môn sử có sự thay đổi lớn: không còn phần tự chọn theo ban. Thí sinh cần lưu ý kỹ chi tiết này.

Để làm tốt, nguyên tắc đầu tiên là phải đọc thật kỹ đề bài, gạch chân những cụm từ quan trọng trong đề để xác định yêu cầu, mục tiêu, khung thời gian và sự kiện trọng tâm của câu hỏi. Tiếp đó là lập dàn ý cơ bản hoặc sơ đồ tư duy đơn giản, nêu các ý chính cần trình bày theo yêu cầu của đề thi. Khi trình bày cần đi thẳng vào vấn đề mà câu hỏi đưa ra, tránh lan man, dông dài vừa mất thời gian vừa dễ lạc đề. Lưu ý các sự kiện quan trọng không được phép trình bày mơ hồ, chung chung mà phải rõ ràng, chính xác về không gian, thời gian, sự kiện… Qua thực tế chấm bài, tôi thấy rất nhiều em làm đủ các yêu cầu của thang điểm nhưng vẫn không đạt điểm cao vì các ý chính trình bày quá tóm tắt và lộn xộn.

Nguyễn Kim Tường Vy
(Trường THPT Nguyễn Hiền, TP.HCM)

Không chỉ kiến thức lớp 12

Đề thi môn sinh đặc biệt những năm gần đây có phần bài tập phân hóa học sinh ngày càng cao. Nếu đề thi năm 2007 - 2008 có khoảng 30% câu hỏi dạng vận dụng, tính toán thì đề thi năm 2010 đến 2013 có đến 40 - 45% dạng này. Do vậy, ngoài việc học lý thuyết thì việc rèn luyện kỹ năng tính toán cũng rất quan trọng để đạt điểm giỏi hoặc điểm tuyệt đối. Số câu ở mức độ nhận biết (chỉ cần học thuộc bài là làm được) ngày càng giảm, nếu đề thi năm 2007 - 2008 có khoảng 35-37% câu hỏi dạng thuộc lòng, thì đề thi năm 2010 - 2013 chỉ còn 25 - 28% dạng này.

Các câu hỏi trong đề chủ yếu vẫn là những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa lớp 12. Tuy nhiên, để làm tốt kiến thức phần di truyền học (chiếm 30 câu/50 câu) học sinh phải ôn lại kiến thức lớp 10 phần cơ sở vật chất và cơ chế di truyền ở cấp phân tử (ADN - ARN - protein) và cấp tế bào (nhiễm sắc thể - nguyên phân - giảm phân và thụ tinh) mà chương trình lớp 12 chỉ tóm tắt. Bên cạnh đó, thí sinh cần ôn lại kiến thức lớp 9 phần các quy luật di truyền của Mendel (định luật I và định luật II) mà chương trình 12 nhập đề khá đột ngột (quy luật phân ly).

Phạm Thu Hằng
(Giáo viên Trường THPT Tân Bình, TP.HCM)

Hà Ánh (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.