Việt Nam còn làm tốt hơn nhiều nền kinh tế được công nhận kinh tế thị trường

09/05/2024 17:49 GMT+7

Việt Nam hoan nghênh Mỹ tổ chức phiên điều trần vào ngày 8.5 và nhấn mạnh nền kinh tế Việt Nam thậm chí làm tốt hơn so với nhiều nền kinh tế đã được công nhận quy chế kinh tế thị trường.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 9.5, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về phiên điều trần ngày 8.5 của Bộ Thương mại Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định, Việt Nam hoan nghênh Bộ Thương mại Mỹ tổ chức phiên điều trần ngày 8.5.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng

THẢO PHẠM

"Phiên điều trần là bước quan trọng trong việc xem xét hồ sơ công nhận quy chế thị trường cho Việt Nam", bà Hằng khẳng định.

Người phát ngôn cho biết, tại phiên điều trần, Việt Nam đã nêu rõ các lập luận, thông tin, số liệu khẳng định nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí của quy chế nền kinh tế thị trường, đồng thời nhấn mạnh nền kinh tế Việt Nam thậm chí làm tốt hơn so với nhiều nền kinh tế đã được công nhận quy chế kinh tế thị trường.

Đến nay đã có 72 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong đó có những nền kinh tế lớn như Anh, Canada, Úc, Nhật Bản... Việt Nam đã tham gia 16 FTA song phương và đa phương với hơn 60 đối tác, trải rộng trên khắp các châu lục.

"Việc Mỹ sớm công nhận kinh tế thị trường cho Việt Nam sẽ góp phần cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước, tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ, qua đó thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước", người phát ngôn cho biết.

Cũng tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về Báo cáo tự do tôn giáo năm 2024 của Ủy Ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ (USCIRF), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ, Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân. 

"Tại Việt Nam, không có ai bị phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng và các hoạt động của các tổ chức tôn giáo được bảo đảm theo đúng các quy định của pháp luật. Điều này được thể hiện rất rõ trong Hiến pháp của Việt Nam năm 2013, hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng như được tôn trọng trên thực tế", bà Hằng khẳng định. 

Ngoài ra, bình luận về việc Tổ chức phóng viên không biên giới mới đây đưa ra Chỉ số tự do báo chí 2024 trong đó xếp Việt Nam đứng thứ 174/180 quốc gia và vùng lãnh thổ, Người phát ngôn Phạm Thu Hằng cho biết, nhà nước Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do tiếp cận thông tin. Điều này được quy định rất rõ ràng trong Hiến pháp năm 2013 cũng như các văn bản pháp luật khác của Việt Nam.




Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.