Ở vùng đất dê leo cây

09/02/2014 09:15 GMT+7

Không nhiều người biết rằng còn có một nền văn hóa Berber tồn tại song song với văn hóa Ả Rập tại vùng Bắc Phi.

 Một bầy dê đang trèo lên cây argan để ăn quả
Một bầy dê đang trèo lên cây argan để ăn quả

Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, có khoảng từ 25 đến 30 triệu người Berber đang sinh sống tại vùng Bắc Phi, chủ yếu ở các khu vực xung quanh dãy núi Atlas và vùng sa mạc Sahara tại các quốc gia như Ma Rốc, Algeria, Tunisia, Libya, Mauritania và Mali.

1 Dù cũng theo đạo Hồi, nhưng người Berber không chỉ có tiếng nói riêng, chữ viết riêng mà còn có cả bộ lịch riêng của mình chứ không dùng chung lịch với người Ả Rập. Bộ lịch của người Berber vẫn giữ nguyên các quy tắc của lịch Julius, vốn do Caesar ban hành vào năm 46 trước Công nguyên và sau đó được đế quốc La Mã áp dụng cho tất cả các lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, đối với người Berber, năm khởi điểm cho bộ lịch của họ lại là năm 950 trước Công nguyên, lúc mà vị Pharaoh mang tên Shoshenq I lên ngôi ở Ai Cập. Theo các nhà nghiên cứu của nhóm Academie Berbere tại Paris, vị Pharaoh này chính là vị vua người Berber đầu tiên trong lịch sử. Vì thế, có thể nói người Berber sống theo 3 bộ lịch cùng lúc: năm 2014 theo dương lịch của chúng ta là năm 1435 theo lịch Hồi giáo, và cũng đồng thời là năm 2964 theo lịch Berber.

 Pháo đài Ait Benhaddou
Pháo đài Ait Benhaddou

Sự độc đáo của văn hóa Berber còn đóng góp cả cho nhân loại. Nếu ai từng ghé thăm miền nam Tây Ban Nha và trầm trồ trước những di sản UNESCO như lâu đài Alhambra, nhà thờ Mezquita, thì đó chính là những công trình được xây dựng và tu bổ dưới sự trị vì của những quốc vương người Berber thuộc về 2 triều đại Hồi giáo Almoravid và Almohad. Các triều đại này đã có thời trải dài từ miền nam Tây Ban Nha cho tới sa mạc Sahara.

Ngày nay, thế giới biết đến người Berber thông qua một đại diện tiêu biểu là cựu siêu sao bóng đá người Pháp Zinedine Zidane. Cầu thủ này vốn có cha mẹ là người Berber di cư từ Algeria.

2 Trong chuyến du lịch đến Ma Rốc hồi cuối tháng trước, tôi có dịp tiếp xúc với người Berber khi ghé thăm vùng đất của họ tại thị trấn vùng núi Tafraoute và thung lũng Ameln nằm bên dãy núi Atlas, cũng như pháo đài sa mạc Ait Benhaddou. Dù chỉ là một cửa hiệu thảm nơi phố núi, nhưng Maison du Troc của 2 anh em Mohammed và Hassan đã được khá nhiều bộ sách du lịch nổi tiếng, bao gồm cả Lonely Planet, đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn của miền nam Ma Rốc. Từ thị trấn Tafraoute, Mohammed và Hassan thường xuyên gửi các tấm thảm của họ đến các cửa hàng ở khắp Ma Rốc, và cũng có không ít những sản phẩm đã được họ gửi đi thông qua FedEx tới châu Âu hay Bắc Mỹ.

 Hai anh em Hassan và Mohammed giới thiệu mẫu thảm - Ảnh: T.T.M
Hai anh em Hassan và Mohammed giới thiệu mẫu thảm - Ảnh: T.T.M

Đối với người Berber, các tấm thảm không chỉ là vật dụng trang trí hay đồ dùng thường ngày mà còn là một phần không thể thiếu trong bản sắc văn hóa của họ. Được dệt bằng sợi bông, lông cừu hay lông lạc đà, mỗi tấm thảm đóng vai trò như một bức tranh hay một cuốn sách nho nhỏ, kể lại những câu chuyện về vùng sa mạc. Ngoài ra, mỗi một bộ lạc hay dòng họ người Berber đều có mẫu thiết kế thảm riêng của mình, được truyền lại từ đời trước sang đời sau, theo những người phụ nữ trong gia đình. Một tấm thảm cỡ lớn có thể đòi hỏi công sức lao động của một người phụ nữ Berber trong 9 tháng liền, và có những tấm thảm đặc biệt phức tạp có thể cần tới sự hợp tác của 3 người.

Theo ngôn ngữ hình ảnh của những tấm thảm này, các đường dích dắc là tượng trưng cho những chuyến hành trình trên sa mạc; hình thoi là lá bùa hộ mệnh chống lại những ánh mắt xấu xa; những chữ thập là tượng trưng cho chùm sao Chữ thập Phương Nam, vốn là công cụ định hướng quan trọng bậc nhất giữa bầu trời đêm sa mạc; các bậc thang tượng trưng cho những tòa pháo đài dọc đường; còn biểu tượng giống như 2 cây đinh ba chập vào nhau thì chính là cây argan.

3 Bên cạnh những tấm thảm độc đáo, cây argan còn được xem như một “đặc sản” của người Berber. Người Berber gọi cây argan là “cây của sự sống” vì tầm quan trọng của loài cây này đối với cuộc sống của họ. Quả argan khi chín sẽ được ép ra để lấy dầu, vừa có thể dùng để nấu ăn vừa có thể dùng làm nguyên liệu cho mỹ phẩm. Đây là một trong những thứ nguyên liệu mỹ phẩm thuộc loại đắt tiền nhất vì cây argan gần như chỉ được trồng tại Ma Rốc. Loại dầu argan cao cấp nhất được sản xuất theo một quy trình không khác biệt mấy so với cà phê chồn, chỉ khác ở chỗ là thay con chồn với hạt cà phê bằng con dê và quả argan. Thú vị hơn nữa, những bầy dê ở đây còn dễ dàng leo lên cây argan để ăn quả chứ chẳng phải chờ quả rụng xuống đất. Tất cả tạo nên một sự độc đáo hiếm có.

Ngoài việc cho quả lấy dầu, cây argan cũng là một loại vật liệu xây dựng quan trọng đối với người Berber, vì ít có loại cây nào khác có thể chịu đựng được thổ nhưỡng có phần khắc nghiệt của miền nam Ma Rốc. Những cánh cửa làm bằng gỗ argan giờ đây cũng được xem là một di sản văn hóa quan trọng của người Berber, và có thể được bán tại các cửa hàng lưu niệm với giá lên tới cả ngàn euro.

4 Taf Son, anh chàng sinh viên đại học người Berber, mà tôi có dịp gặp tại một ngôi làng ở vùng thung lũng Ameln. Có lẽ do phải tập làm quen với một môi trường đa ngôn ngữ từ nhỏ nên có khá nhiều người Berber thành thạo 3 - 4 thứ tiếng khác nhau, và Taf Son là đại diện cho số đó.

Anh chàng này có thể nói được tiếng Berber, tiếng Ả Rập, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức và cho tôi biết thêm là anh đang có ý định học thêm tiếng Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha nữa. Hiện tại Taf đang theo học năm cuối chuyên ngành ngoại ngữ ở thành phố Marrakesh và có ý định sẽ làm việc trong ngành du lịch sau khi tốt nghiệp. Trẻ trung, năng động nhưng Taf tỏ ra lo lắng về những biến đổi đang diễn ra ở những ngôi làng vùng núi của người Berber trước các giá trị mới của xã hội hiện đại: thay vì truyền thống tam đại hay tứ đại đồng đường như trước đây thì ngày càng có nhiều thanh niên Berber muốn ra ở riêng, và những mảnh đất trước đây được cả gia đình cùng canh tác thì nay lại bị chia năm xẻ bảy giữa các anh em với nhau. Trong khi tôi hào hứng trước sự xuất hiện của những chiếc chảo vệ tinh ngay cả ở vùng núi non hoang sơ này thì Taf lại tỏ ra khá thận trọng và bình luận: nhiều người dân ở đây cứ nghĩ rằng họ đang sử dụng ti vi, nhưng nhiều khi chính là chiếc ti vi lại đang sử dụng họ.

Đây là một trong những ví dụ điển hình nhất về sự thay đổi trong xã hội vùng núi mà Taf  Son đã nói với tôi: người Berber đang dần dà rời bỏ những ngôi làng mà cha ông họ đã xây dựng trên các sườn núi để chuyển xuống chân núi nhằm có cơ hội được ở gần các con đường nhựa hơn. Chỉ riêng trong vùng thung lũng Ameln tôi đã thấy có ít nhất 3 ngôi làng bị bỏ hoang. Trong khi đó, tại đây, với vẻ kỳ vĩ hiếm có, pháo đài sa mạc Ait Benhaddou từng được sử dụng làm phim trường cho khá nhiều bộ phim đình đám của Hollywood như The Mummy (Xác ướp Ai Cập), Gladiator (Võ sĩ giác đấu), Alexander, Kingdom of Heaven (Vương quốc Thiên đường) và Prince of Persia (Hoàng tử Ba Tư).

Trần Tuấn Minh

>> Sự suy tàn của động vật Sahara
>> Dấu ấn Việt từ Bắc cực đến Sahara - Kỳ I: Có một dòng dầu Việt - Nga ở Siberi
>> Tìm thấy báo Sahara quý hiếm
>> Biến Sahara thành nhà máy quang năng lớn nhất thế giới
>> Thợ Việt trên sa mạc Sahara - Bài cuối: Đồng ngoại tệ méo mó

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.