TP.HCM cấp bách hành động vực dậy tăng trưởng: Không để 'trên nóng dưới lạnh'

16/04/2023 06:53 GMT+7

Chừng nào điểm nghẽn phối hợp chưa được thông, người dân và doanh nghiệp khó mà hài lòng với chất lượng hành chính công.

Dù kinh tế TP.HCM đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022, nhưng trong phiên họp cuối năm, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vẫn thẳng thắn nhìn nhận "công tác phối hợp giữa các sở ngành nổi lên như điểm nghẽn rất lớn, ảnh hưởng tiến độ, chất lượng công việc chung".

TP.HCM cấp bách hành động vực dậy tăng trưởng:  Không để 'trên nóng dưới lạnh' - Ảnh 1.

TP.HCM đang siết chặt kỷ cương, nâng cao hiệu quả công vụ

Sỹ Đông

Phối hợp chưa nhịp nhàng

Đánh giá lại công tác cải cách hành chính năm vừa qua, Sở Nội vụ TP.HCM cho biết vẫn còn ghi nhận những phản ánh của người dân, doanh nghiệp về tình trạng giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trễ hạn, nhất là các thủ tục liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng. Đặc biệt, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết công việc thời gian qua chưa thật sự nhịp nhàng. Ngay chính lãnh đạo một số sở ngành cũng than phiền về việc phải chờ góp ý bằng văn bản, góp ý không rõ chính kiến từ các sở ngành khác.

Ngoài nguyên nhân khách quan, Sở Nội vụ nhận định lỗi chủ quan một phần đến từ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa thể hiện hết tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; thái độ giao tiếp với người dân chưa chuẩn mực, gây phiền hà cho người dân; trình độ chuyên môn và kỹ năng chưa đủ để đáp ứng với tốc độ phát triển của TP.

Nhận định của Sở Nội vụ khá tương đồng với kết quả khảo sát của Ủy ban MTTQ VN TP.HCM về lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với công tác cải cách hành chính trên địa bàn. Việc khảo sát thực hiện qua điện thoại và gặp trực tiếp, nội dung tập trung vào thái độ công chức, chất lượng hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính, số lần đi lại làm hồ sơ, tính minh bạch về tài chính… Kết quả khảo sát cho thấy mức độ hài lòng chung tăng so với năm 2021 nhưng vẫn ghi nhận nhiều ý kiến không hài lòng do thủ tục hành chính chưa tinh gọn, thái độ ứng xử khi hướng dẫn và chuyên môn chưa cao…

Siết chặt kỷ cương công vụ, theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, là phải gắn với công việc cụ thể và trách nhiệm từng sở ngành cho đến chuyên viên.

Xem nhanh 12h ngày 16.4: Ca sĩ Vy Oanh ‘bốc hơi’ trên mạng | Thót tim cô bé kẹt trong thang máy

Giám sát tiến độ giải quyết hồ sơ qua app

Lãnh đạo UBND Q.7 cho biết quận có 2 giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào giám sát tiến độ giải quyết thủ tục hành chính là "Công chức trực tuyến" và "Quận 7 trực tuyến". Tất cả lãnh đạo chủ chốt của quận đều được trang bị máy tính bảng cài đặt ứng dụng "Công chức trực tuyến" để theo dõi tình hình xử lý công việc của đơn vị, tình hình giải quyết thủ tục hành chính, ứng dụng phòng họp không giấy, lịch làm việc và các tài liệu đều được lưu trữ trên hệ thống. Phần mềm này sẽ thống kê, đánh giá kết quả giải quyết công việc của các phòng ban chuyên môn đúng hạn hay trễ hạn.

Trong khi đó, ứng dụng "Quận 7 trực tuyến" cung cấp dịch vụ công trực tuyến kết hợp dịch vụ bưu chính công ích và thanh toán trực tuyến giúp người dân tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại; thông tin kết quả xử lý hồ sơ được gửi qua tổng đài SMS, email.

Về những nhiệm vụ trọng tâm quý 2/2023, UBND TP.HCM giao Sở KH-ĐT phải đề xuất giải pháp thực hiện các cam kết của chính quyền TP nhằm tháo gỡ những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài ra, sở này còn phải lập kế hoạch cải thiện, khắc phục và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, lên danh mục các dự án mời gọi đầu tư.

Sở TN-MT được giao triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Đồng thời, tham mưu kế hoạch định giá đất cụ thể năm 2023; xác định hệ số điều chỉnh giá đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Sở Tài chính thì được giao xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; làm đề án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công và số hóa dữ liệu liên quan đến tài sản công. Còn Sở Công thương phải rà soát, đẩy mạnh các hoạt động khuyến mãi, các hội chợ kích cầu tiêu dùng; tham mưu tổ chức hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2023; hỗ trợ phát triển 4 ngành công nghiệp trọng điểm và ngành logistics…

Đánh giá năng lực người đứng đầu

Sở Nội vụ cho biết trong năm 2023 sẽ nghiên cứu, tham mưu UBND TP.HCM xem xét hạ mức đánh giá, xếp loại gắn với chi thu nhập tăng thêm đối với thủ trưởng các đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ làm ảnh hưởng đến kết quả chỉ số cải cách hành chính.

Không được ngâm hồ sơ

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa yêu cầu các đơn vị rà soát, báo cáo Thường trực UBND TP.HCM về số lượng, danh mục công việc còn tồn đọng, báo cáo tiến độ giải quyết định kỳ 2 tuần/lần.

Về thời hạn giải quyết hồ sơ, Chủ tịch Phan Văn Mãi yêu cầu đối với các nhiệm vụ được giao đã quá thời hạn nhưng chưa hoàn thành thì chậm nhất sau 5 ngày làm việc phải báo cáo UBND TP.HCM để xem xét, chỉ đạo. Báo cáo phải đảm bảo các yếu tố: nội dung, tiến độ được giao; lý do vì sao chưa hoàn thành, đánh giá nguyên nhân; cam kết, chịu trách nhiệm về tiến độ hoàn thành; kiến nghị, đề xuất tháo gỡ nếu có.

Đối với hồ sơ vượt thẩm quyền, chậm nhất sau 5 ngày phải kịp thời báo cáo, xác định rõ cơ sở pháp lý của nội dung vượt thẩm quyền, đề xuất UBND TP.HCM xem xét, chỉ đạo. Không được lưu hồ sơ hoặc giữ hồ sơ quá thời hạn nêu trên mà không có ý kiến. Riêng hồ sơ lấy ý kiến qua lại giữa các sở ngành, tối đa 10 ngày phải phản hồi bằng văn bản, nêu rõ chính kiến là đồng ý hoặc không đồng ý, không được trả lời chung chung.

Danh mục các nội dung trọng tâm xử lý hằng tuần và kết quả chỉ đạo, xử lý của Thường trực UBND TP.HCM được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử (https://hochiminhcity.gov.vn) tại chuyên mục "Thông tin chỉ đạo điều hành".

Bên cạnh đó, ngành nội vụ cũng tăng cường kiểm tra cải cách hành chính, kiểm tra công vụ, việc thực hiện quy tắc ứng xử theo hướng đột xuất, không báo trước; đặc biệt sẽ kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành. Các hành vi nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp sẽ bị xử lý nghiêm.

Sở Nội vụ cũng cho hay sẽ tham mưu phương pháp xác định, đánh giá hiệu quả công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị làm cơ sở để tuyên dương hoặc đề ra hình thức xử lý trách nhiệm phù hợp tương ứng mức độ vi phạm.

TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý, đại biểu HĐND TP.HCM, nhìn nhận nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội của TP.HCM đang gặp khó khăn, thậm chí là bế tắc khi các điểm nghẽn về cơ chế, nguồn vốn chưa được khơi thông. Cán bộ, công chức ở TP.HCM đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa tháo gỡ được hết vướng mắc.

"TP.HCM có truyền thống năng động, không chỉ cán bộ, công chức mà còn cả cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Trong những khó khăn của giai đoạn trước đây, chính nhờ tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm mà những bất cập được giải quyết, kinh tế khởi sắc và đưa TP trở thành đầu tàu", TS Thắng nhận định.

Vị đại biểu này đánh giá thời điểm hiện nay TP.HCM rất cần cán bộ năng động, dám "vượt rào", trong đó người đứng đầu địa phương, sở ngành giữ vai trò quan trọng, mang tính quyết định. Họ phải là những người dũng cảm, dám nhận trách nhiệm thay cho cấp dưới, bảo vệ cán bộ dám hành động vì lợi ích chung.

"Người đứng đầu dũng cảm, dám đột phá sẽ lan truyền sự hứng khởi, niềm tin không chỉ cho cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị mà còn tạo niềm tin, cam kết chính trị vững chắc đối với cộng đồng doanh nghiệp và từng người dân. Sự cộng hưởng của cả hệ thống giúp niềm tin lan tỏa, tạo khí thế mới vượt qua khó khăn, tạo bước ngoặt mới cho phát triển địa phương, đất nước", TS Thắng nói.

Trong thời điểm khó khăn, TP.HCM cần tuyển chọn những con người bản lĩnh, đảm đương được công việc, nếu mắt xích nào yếu thì phải thay ngay. Giống như tham gia vào hợp tác xã, nếu một vài ông làm yếu, làm ẩu ảnh hưởng đến uy tín chung thì ông chủ nhiệm hợp tác xã phải chấn chỉnh, thậm chí loại bỏ người đó ra khỏi tổ chức.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.