Tháo nút thắt hạ tầng hàng không

20/05/2024 06:29 GMT+7

Những dự án hạ tầng hàng không lớn đang đồng loạt được khởi động và tăng tốc, nới "chiếc áo" chật chội vốn cản bước phát triển của thị trường hàng không nội địa.

Chiều 19.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát lệnh khởi công dự án mở rộng nhà ga hành khách T2 Nội Bài - dự án được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nút thắt quá tải cho sân bay cửa ngõ thủ đô.

Cuối năm 2025, khai thác T2 Nội Bài mở rộng

Nhà ga hành khách T2 Nội Bài từ năm 2018 đã mãn tải và bắt đầu quá tải vào 2019, khi sản lượng hành khách thông qua đạt 11,4 triệu lượt, vượt công suất thiết kế 10 triệu lượt hành khách vào năm 2020 theo tính toán ban đầu.

Phối cảnh bên trong nhà ga T2 Nội Bài mở rộng

Phối cảnh bên trong nhà ga T2 Nội Bài mở rộng

ACV

Dự án mở rộng nhà ga hành khách T2 Nội Bài được nghiên cứu xây dựng trong phạm vi phần đất có diện tích khoảng 412.203 m2 (bao gồm phần diện tích hiện hữu và phần mở rộng), với mục tiêu nâng công suất khai thác từ 10 triệu hành khách/năm lên 15 triệu hành khách/năm, tổng mức đầu tư 4.996 tỉ đồng. Trong đó, gói thầu chính thi công xây lắp có giá trị 4.600 tỉ đồng thực hiện hoàn toàn bằng nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV).

Theo Thủ tướng, nhiều sân bay đang quá tải cả bầu trời và mặt đất như Tân Sơn Nhất và Nội Bài, nên cần có giải pháp, kế hoạch đầu tư mở rộng. Riêng Nội Bài, năm 2023 đã đạt sản lượng 30 triệu hành khách, là sân bay lớn thứ 2 cả nước và có sản lượng hàng hóa lớn nhất nước (700.000 tấn/năm), khi vừa phục vụ chuyên cơ, có vị trí đặc biệt là cửa ngõ thủ đô đón nhiều đoàn khách quốc tế. Theo quy hoạch tổng thể cảng hàng không, sân bay, trong giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2050, đến năm 2030, Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Nội Bài có sản lượng 60 triệu khách/năm, giai đoạn 2050 là trên 100 triệu khách/năm và nghiên cứu sân bay thứ 2 của thủ đô.

Đặc biệt, dù dự kiến thời gian hoàn thành dự án là 660 ngày vào đầu 2026, tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu "phải đưa công trình vào khai thác trước ngày 31.12.2025".

Theo Chủ tịch HĐTV ACV Lại Xuân Thanh, cùng với gói thầu được khởi công hôm nay, ACV đang thực hiện 2 dự án trọng điểm quốc gia ngành giao thông là dự án thành phần 3 - dự án Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1, dự án nhà ga T3 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất. ACV cũng đang tích cực thực hiện các thủ tục, đặc biệt là giải phóng mặt bằng để sớm khởi công các dự án mở rộng Cảng HKQT Cát Bi, nâng cấp cảng hàng không Cà Mau, Đồng Hới và các dự án khác, với tổng mức đầu tư 138.000 tỉ đồng.

Cấp tập thi công T3 Tân Sơn Nhất

Ở phía nam, nhà ga T3 cũng đang trong giai đoạn tăng tốc về đích. Trả lời Thanh Niên, ông Lê Khắc Hồng, Trưởng ban Ban QLDA xây dựng ga T3 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất (thuộc ACV), cho biết tính đến ngày 18.5, phần thô xây dựng nhà ga hành khách đã đạt 100% khối lượng, vượt tiến độ 15 ngày. Các hạng mục nhà để xe, cầu tầng EDW, sân đỗ máy bay đều đang đảm bảo tiến độ đề ra. Phần hoàn thiện xây thô của hạng mục nhà ga hành khách và nhà để xe cũng đạt lần lượt 80% và 30%, đảm bảo tiến độ. Các thiết bị cơ giới và vật tư phục vụ công tác lắp dựng kết cấu thép đang được vận chuyển về công trường, triển khai vào ngày 16.5 theo đúng giấy phép của Cục Hàng không, dự kiến hoàn thành vào dịp 2.9 tới.

Thủ tướng phát lệnh khởi công mở rộng nhà ga T2 Nội Bài chiều 19.5

Thủ tướng phát lệnh khởi công mở rộng nhà ga T2 Nội Bài chiều 19.5

Nhật Bắc

Ngoài ra, các hệ thống kỹ thuật như băng tải hành lý, cầu hành khách, máy soi, thang máy, thang cuốn, máy phát điện, hệ thống cơ điện, điều hòa, phòng cháy chữa cháy và IT đã hoàn thành thiết kế bản vẽ thi công, đã ký hợp đồng nhập hàng. Một số hạng mục như điện, cấp thoát nước, ống gió điều hòa, phòng cháy chữa cháy cũng đã và đang lắp đặt đuổi theo tiến độ xây dựng phần thô.

Theo ông Lê Khắc Hồng, Chính phủ yêu cầu dự án phải được khánh thành và đưa vào sử dụng đúng dịp 30.4.2025 để kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Yêu cầu này đòi hỏi các đơn vị phải rút ngắn tiến độ 2 tháng so với kế hoạch. Hiện nay, trên công trường đã huy động hơn 2.000 công nhân và kỹ sư, hàng trăm máy móc thiết bị thi công, thi công ngày đêm 3 ca 4 kíp.

Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tiến độ thi công bê tông các nhà thầu đã áp dụng hình thức chia nhỏ các zone thi công và thi công top - down, kết hợp gia công kết cấu sắt tại nhà máy thành các module và sử dụng các cần cẩu có sức nâng lớn để lắp dựng tại công trường vừa tiết kiệm thời gian vừa khắc phục được tình trạng mặt bằng thi công chật hẹp.

"Vừa qua chủ đầu tư đã phát động đợt thi đua kỷ niệm ngày 30.4 với mục tiêu hoàn thành kết cấu bê tông phần thô. Sau khi sơ kết, 100% nhà thầu đã đảm bảo mục tiêu phát động, có 4/6 nhà thầu vượt tiến độ. Với cách làm tương tự chủ đầu tư đã phát động đợt thi đua thứ 2 với mục tiêu hoàn thành lắp đặt kết cấu sắt và lợp mái để chào mừng ngày Quốc khánh 2.9. Chưa kể, chúng tôi phải áp dụng hình thức quản trị dự án theo mục tiêu kết hợp với kiểm soát quá trình, chia nhỏ khối lượng thi công của các nhà thầu theo tiến độ 15 ngày, thường xuyên đánh giá, nếu nhà thầu nào không đạt sản lượng thì phải bù vào kỳ 15 ngày tiếp theo để đảm bảo luôn luôn đạt mục tiêu đề ra", ông Hồng thông tin.

Giải tỏa bức xúc cho cả hãng bay và hành khách

Là thị trường hàng không có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới nhưng mạng lưới sân bay của VN vẫn còn rất hạn chế. So sánh với các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc thì mật độ sân bay của VN nếu tính về diện tích thì chỉ đứng trước Lào, còn nếu so mật độ dân số thì đứng cuối bảng. Cả nước có 22 sân bay dân dụng, trong đó có 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa, tổng công suất toàn mạng đạt 90,4 triệu lượt khách/năm, nhưng từ 2018 đã được khai thác phục vụ gần 105 triệu lượt khách, tới 2019 phục vụ 116 triệu lượt hành khách. Cả 3 sân bay quốc tế lớn nhất của VN đều đang quá tải. Tình trạng kẹt đường lăn, sân đỗ tại một số sân bay trọng điểm thường xuyên diễn ra, dẫn đến việc chậm, hủy chuyến, chậm lấy hành lý đang ngày càng trở thành nỗi ám ảnh của hành khách.

Ùn tắc sân bay khiến không chỉ hành khách bức xúc mà các hãng bay cũng khốn khổ. Ông Trương Việt Cường, Phó tổng giám đốc Bamboo Airways, cho biết trong bối cảnh các hãng hàng không đang bị bủa vây bởi rất nhiều khó khăn, thì tình trạng quá tải sân bay đang gây thêm áp lực lớn cho việc phục hồi và phát triển của ngành. Trong những đợt cao điểm, nhu cầu tăng cao nhưng hạ tầng tắc nghẽn khiến các hãng hàng không có khách nhưng không thể phục vụ hết công suất. Ví dụ điển hình, trước đây trên chặng Hà Nội - TP.HCM, lịch bay ban đầu của Bamboo Airways chỉ mất 1 giờ 40 phút, sau đó nâng lên 1 giờ 45 phút, từ từ đẩy lên 1 giờ 50 phút, lên 2 giờ, rồi bây giờ lịch bay chặng này của các hãng phải ít nhất 2 giờ 10 phút.

"Thời gian kéo dài là do máy bay phải bay chờ quá nhiều, chạy land taxi trên đường băng quá lâu do hạ tầng 2 sân bay hạn chế, mật độ khai thác quá cao. Tăng thời gian bay từ 1 giờ 45 phút lên 2 giờ 10 phút bay, đồng nghĩa chi phí nhiên liệu, tàu bay tăng lên ít nhất 10 - 15%. Chi phí này hãng bay phải chịu và tất nhiên sẽ phải cộng vào giá vé máy bay", ông Trương Việt Cường chỉ rõ.

Tương tự, ông Đặng Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, cũng chia sẻ việc máy bay phải bay vòng quá lâu tạo áp lực lớn đến chi phí của các hãng hàng không. Càng có sự tham gia của nhiều hãng hàng không, hoặc các hãng bay càng tăng năng lực khai thác để phục vụ nhu cầu tăng cao của người dân thì áp lực này càng lớn. Đơn cử, trong cùng 1 khung giờ, 1 đường bay, khi có nhiều máy bay trên bầu trời thì quãng đường bay sẽ kéo dài do các máy bay phải "lựa" đường tránh nhau. Nếu phía dưới hạ tầng thông thoáng, các máy bay có thể hạ cánh đúng giờ thì không sao, nhưng chỉ cần kẹt đường bay phía dưới, 1 - 2 máy bay hạ cánh trễ, lăn trên đường băng muộn hơn thì trên trời, máy bay sẽ phải tiếp tục bay vòng. Quãng đường càng dài, nhiên liệu tiêu hao càng lớn.

Còn theo ông Lê Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc Hãng hàng không Vietravel Airlines (VU), trong những dịp cao điểm, Vietravel Airlines muốn tăng tần suất bay, nâng năng lực phục vụ cũng khó bởi sân bay quá tải, slot đầu TP.HCM và Hà Nội của VU chỉ được cấp khá khiêm tốn. Trong khi đó, một số cảng hàng không địa phương hạ tầng không đủ điều kiện nên vẫn còn hạn chế các chuyến bay đêm, như sân bay Quy Nhơn.

Trong bối cảnh trên, việc triển khai các dự án mở rộng tại các sân bay có mật độ lớn nhất VN là Tân Sơn Nhất và Nội Bài được kỳ vọng sẽ tháo gỡ dần nút thắt bấy lâu nay về hạ tầng hàng không. Tạo đà phát triển không chỉ cho ngành này mà còn tác động đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực quan trọng khác của nền kinh tế.

Huy động vốn PPP, đầu tư sân bay ngách

Tổng nhu cầu vốn đầu tư sân bay theo quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030 khoảng hơn 420.000 tỉ đồng. Để huy động được nguồn vốn khổng lồ này, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ cho phép huy động nguồn vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với các sân bay mới.

Để thu hút đầu tư, nhiều địa phương cũng đã chủ động phương án kêu gọi nhà đầu tư theo phương thức xã hội hóa. Cuối tháng 3, Quảng Nam đã trình Bộ GTVT đề án xã hội hóa sân bay Chu Lai với 2 phương án đều theo hình thức xã hội hóa nguồn lực. Ngoài các sân chính do ACV đầu tư, nhiều dự án sân bay mới như Phan Thiết hoặc đầu tư thêm nhà ga hành khách tại sân bay Phù Cát (Bình Định), Côn Đảo, Cam Ranh (Nha Trang)… đang được các địa phương đề xuất kêu gọi vốn đầu tư theo hình thức PPP. Chính phủ cũng đã đồng ý giao cho UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án sân bay Biên Hòa theo phương thức PPP…

Chủ tịch Vietravel Corporation Nguyễn Quốc Kỳ chia sẻ trên thế giới, có rất nhiều cách làm và rất nhiều mô hình xã hội hóa hạ tầng sân bay mà VN có thể học hỏi. Chẳng hạn, mô hình ở châu Âu, ở Mỹ… rất đơn giản, đó là tư nhân hóa. Còn tại Nga, nhà nước cho tư nhân thuê sân bay. Thủ đô của nước Nga có 3 sân bay lớn là Sheremetyevo, Domodedovo và Vnukovo, hiện nay nhà nước chỉ giữ lại một sân bay là Sheremetyevo, còn lại 2 sân bay cho tư nhân thuê 30 năm như thuê tài sản. Quốc gia láng giềng là Campuchia cũng thực hiện theo mô hình nhượng quyền. Cả 3 sân bay quốc tế của Campuchia đều nhượng quyền cho Tập đoàn ADP (Pháp).

Bộ GTVT cũng đang tổng hợp hoàn thiện đề án huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không.

T2 Nội Bài sẽ bổ sung công nghệ phục vụ bay thẳng đến Mỹ

Công trình mở rộng nhà ga T2 Nội Bài gồm 2 phần: phần 1 là thi công mở rộng nhà ga và các công trình phụ trợ gồm thi công mở rộng cánh tây, cánh đông và khu vực trung tâm.

Phần 2 là thi công cải tạo và chuyển đổi công năng bên trong nhà ga hiện hữu từ tầng 1 đến tầng 4 nhằm nâng cao năng lực khai thác của dây chuyền hàng không. Tổng diện tích sàn nhà ga hành khách sau mở rộng tăng lên 200.100 m2 sàn. Trong đó, bổ sung máy soi chiếu truyền thống và máy soi chiếu thông minh SSL, tính toán sẵn các giải pháp để bổ sung trang thiết bị, công nghệ cần thiết phục vụ các chuyến bay thẳng đến Mỹ.

Hiệp hội Hàng không quốc tế tính toán hàng không vận chuyển gần 2 tỉ lượt hành khách mỗi năm và 40% kim ngạch xuất khẩu liên vùng hàng hóa (theo giá trị). Dự báo, tới năm 2035, hàng không VN sẽ phục vụ 136 triệu lượt hành khách và đóng góp 23 tỉ USD vào GDP.

Tháo nút thắt hạ tầng hàng không- Ảnh 3.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.