Toyota VN vẫn sản xuất ô tô nhưng mập mờ kế hoạch phát triển

23/04/2015 06:25 GMT+7

Tổng giám đốc Toyota Việt Nam khẳng định sẽ không ngừng sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam sau mốc 2018. Tuy nhiên, kế hoạch phát triển vẫn còn bỏ ngỏ.

Tổng giám đốc Toyota Việt Nam khẳng định sẽ không ngừng sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam sau mốc 2018. Tuy nhiên, kế hoạch phát triển vẫn còn bỏ ngỏ.

>> Ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh
>> Người Đức đang sản xuất quá nhiều xe sang?
>> Người Việt thích dùng xe sang phản ánh đẳng cấp

Còn nhớ, cách đây không lâu, truyền thông trong nước đăng tải hàng loạt bài viết về việc Toyota VN có thể dừng sản xuất, lắp ráp trong nước và chuyển sang “đi buôn” sau cột mốc 2018, khi thuế nhập khẩu xe trong khu vực ASEAN về 0%. Thậm chí, việc Toyota tăng cường đầu tư nhà máy tại Indonesia cũng trở thành chủ đề bàn tán cho câu hỏi “Có phải Toyota rời Việt Nam, chuyển hướng sang Indonesia?”...


Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô không đưa ra kế hoạch cụ thể là sẽ làm gì nên chúng tôi không hiểu cần phải làm gì… Chúng tôi đợi chính sách cụ thể được ban hành dựa trên chiến lược tổng thể đó.

Ông Yoshihisa Maruta -
Tổng Giám đốc Toyota VN


Những thông tin này xuất phát từ những chia sẻ trong buổi tổng kết công bố thành tích năm 2014 và kế hoạch năm 2015 của Toyota VN hồi đầu tháng 4.2015. Tại buổi họp báo, ông Yoshihisa Maruta, Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam (TMV) cho biết ngành công nghiệp phụ trợ trong nước còn quá non trẻ, điều này khiến chi phí sản xuất tăng cao dẫn đến khó cạnh tranh với xe nhập nếu thuế suất về 0%. Ông cho biết 2015 là thời khắc quyết định sống còn vì việc lên dây chuyền sản xuất một mẫu xe phải mất tới 3 năm và công ty vẫn đang chờ đợi những chính sách hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước.

Những ý kiến trái chiều trong giới truyền thông buộc Toyota VN phải dành một khoảng thời gian khá dài trong buổi họp báo ra mắt Camry 2015 để trả lời về vấn đề này. Ngay từ những chia sẻ đầu tiên, ông Maruta đã bác bỏ tin đồn chuyển hướng sản xuất sang các nước khác trong khu vực ASEAN và dừng hoạt động sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam.


Tổng Giám đốc Toyota VN khẳng định vẫn duy trì hoạt động sản xuất dù khó khăn - Ảnh: Phong Trần

Ông Maruta cho biết, có lẽ mọi người đã hiểu nhầm ý ông trong buổi tiếp xúc với truyền thông gần đây đồng thời khẳng định công ty chưa hề có kế hoạch hay ý tưởng gì liên quan đến việc dừng hoạt động sản xuất. Tổng Giám đốc Toyota VN cũng cho biết ông rất tin tưởng vào năng lực sản xuất ô tô tại Việt Nam cũng như tiềm năng của nền công nghiệp này.

Dẫn chứng về sự tin tưởng của mình, ông cho biết Việt Nam có dân số đông gấp rưỡi Thái Lan, nền kinh tế tăng trưởng đều hàng năm và nhu cầu mua xe hơi của người dân đang tăng nhanh. Việt Nam có đủ tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp sản xuất ô tô nhưng phải cần thời gian để đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, thời gian bao lâu thì bản thân ông Maruta cũng không dám chia sẻ mà chỉ ước tính sẽ mất 5-10 năm tùy từng thị trường và chính sách.

Ở thời điểm này, ông Maruta cho biết vẫn đang nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, cố gắng đưa chi phí xuống mức thấp nhất để tăng tính cạnh tranh. Tuy nhiên, ông này cũng mong rằng sẽ có những chính sách hỗ trợ tốt hơn cho ngành công nghiệp ô tô trong nước, đặc biệt là những chính sách mang tính ổn định vì tự bản thân sự cố gắng của doanh nghiệp là chưa đủ. CEO TMV lạc quan cho rằng 3 năm không phải là quá ngắn để có những chủ trương phù hợp cũng như những kế hoạch cụ thể để đối phó với khó khăn sắp tới.


Ông Yoshihisa Maruta không dám chắc về giá xe sẽ giảm sau năm 2018 - Ảnh: Phong Trần

Về giá xe ô tô sẽ giảm sau năm 2018, ông Maruta cho biết khó mong đợi điều này vì chưa có gì chắc chắn. Đến thời điểm 2018, giá xe tăng hay giảm còn phụ thuộc vào tỉ giá hối đoái, các loại thuế, phí trong nước không chịu ảnh hưởng của của AFTA - vốn chỉ tác động tới thuế nhập khẩu.

Mặc dù khẳng định sẽ không từ bỏ việc sản xuất tại Việt Nam nhưng thật khó nói về các hoạt động đầu tư của Toyota tại Việt Nam trong thời gian tới. Dễ dàng nhận thấy Việt Nam không phải là ưu tiên của Toyota trong khu vực. Sau Thái Lan và Malaysia, Indonesia tiếp tục là điểm đến của Toyota cũng như một vài hãng xe lớn trên thế giới.

Hãng xe Nhật cũng cho biết, sẽ đầu tư 1,6 tỉ USD vào việc kiến thiết nhà máy ở Karawang, phía Tây Java (Indonesia) để nâng sản lượng xe sản xuất trong nước lên gấp 3 và đạt mục tiêu xuất khẩu 600.000 xe/năm. Trong khi đó, con số đầu tư của Toyota tại Việt Nam sau gần 20 năm mới chỉ đạt 154 triệu USD.


Xét về quy mô đầu tư của Toyota, Việt Nam không thể so bì Indonesia - Ảnh: Mega

Tập đoàn Tư vấn và nghiên cứu thị trường Ipsos Business Consulting cho biết, Indonesia có thể dẫn đầu về công nghiệp sản xuất ô tô trong khối ASEAN. Thậm chí, hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Thái Lan cũng phải dựa vào quốc đảo này. Trong khi đó, hoạt động đầu tư của Toyota tại Việt Nam trong tương lai sẽ còn phụ thuộc nhiều vào các chính sách, định hướng phát triển công nghiệp ô tô của nhà nước cũng như sự phát triển của công nghiệp phụ trợ.

Có thể nói, việc Toyota duy trì hoạt động sản xuất và đẩy mạnh đầu tư sản xuất tại Việt Nam là rất khác nhau. Tất cả phải chờ đến thời điểm 2018, như chia sẻ của ông Yoshihisa Maruta: “Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô không đưa ra kế hoạch cụ thể là sẽ làm gì nên chúng tôi không hiểu cần phải làm gì… Chúng tôi đợi chính sách cụ thể được ban hành dựa trên chiến lược tổng thể đó”.

Phong Trần

>> Toyota Camry 2015 nhiều cải tiến, giá tăng từ 50 đến 79 triệu đồng
>> Camry hybrid 2015 và tham vọng trên phân khúc xe xanh của Toyota
>> Reuters: 8/10 người Việt không có ô tô vẫn đi học bằng lái
>> Ô tô Trung Quốc hạn chế dùng nhưng vẫn nhập ồ ạt về VN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.