Gia tăng các tranh chấp hợp đồng kinh tế

29/01/2010 01:20 GMT+7

(TNO) Ngày 28.1, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức buổi họp mặt các doanh nghiệp (DN) bàn về vấn đề giải quyết tranh chấp hợp đồng trong kinh doanh. Theo VCCI Cần Thơ, trong hai tháng gần đây, ĐBSCL đã xảy ra đến 8 vụ tranh chấp thương mại, tăng cả về số lượng và tính phức tạp của vụ việc.

Các DN dự họp thừa nhận lâu nay, việc làm ăn của họ với đối tác phần nhiều là dựa vào tình cảm hơn là các hợp đồng có tính pháp lý cao nên khi xảy ra tranh chấp cũng dựa vào tình cảm để “thu xếp” sao cho êm đẹp.  Nguyên nhân là do trình tự pháp lý ở Việt Nam quá rườm rà,  phức tạp và kéo dài thời gian.  Ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó GĐ Công ty Cổ phần thuỷ sản Kiên Thành (Đồng Tháp) cho biết: một hộ nuôi cá tra ở An Giang thiếu công ty ông 14 tỉ đồng nợ gốc. Công ty ông đã đưa vụ việc ra toà nhưng đến nay đã 13 tháng mà chưa đi được tới đâu, sau nhiều lần phải bổ sung hồ sơ, bị “đá qua đá lại” giữa toà án ở Đồng Tháp, toà án tỉnh An Giang và toà án TP. Long Xuyên, mất rất nhiều thời gian, công sức và chi phí... Nhiều DN còn cho biết khi làm ăn với các đối tác nước ngoài, họ thường không thể xác định được đối tác của mình là ai, năng lực tài chính như thế nào, chỉ tin vào lời giới thiệu của các DN khác. Do vậy, khi xảy ra tranh chấp hoặc bị quỵt nợ, đi hỏi khắp nơi (kể cả các cơ quan ngoại giao nước ngoài)  thì không ai biết. 

Ông Nguyễn Phương Lam, Trưởng phòng Pháp chế VCCI Cần Thơ xác nhận: Các DN chưa sử dụng hệ thống luật pháp để mở rộng hoạt động kinh doanh. Công việc làm ăn chủ yếu chỉ dựa vào các đối tác quen bết hoặc bạn bè giới thiệu. Trong hợp đồng thì thường là không được “miêu tả” chi tiết. Khi xảy ra tranh chấp thì tỉ lệ sai sót trong các hợp đồng thường rất lớn. Nhìn chung DN thường làm ăn theo kiểu quan hệ tình cảm. Trong khi đó, thể chế, cách thức giải quyết các tranh chấp hợp đồng kinh tế tại địa phương lại chưa được thông thoáng.

Theo đại diện của Trung tâm trọng tài kinh tế quốc tế và các văn phòng luật sư tại TP Cần Thơ, hiện nay các tranh chấp hợp đồng thương mại là rất phổ biến. Trong đó, phổ biến nhất là các tranh chấp hợp đồng về đòi nợ. Để tránh những thiệt hại không đáng có trong kinh doanh, các DN cần tìm hiểu kĩ về các quy định của luật pháp, nên hạn chế các dạng hợp đồng theo kiểu “tình cảm”. Có như vậy DN mới hạn chế được thiệt hại khi có tranh chấp xảy ra.

Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.