'Nếu bộ máy sợ đến mức không dám làm, nền kinh tế Việt Nam sẽ khốn đốn'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
12/12/2023 14:23 GMT+7

Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, 'nếu bộ máy sợ đến mức không dám làm như thế này kinh tế Việt Nam sẽ vô cùng khốn đốn'.

Sáng 12.12, Ban Tuyên giáo T.Ư, Ủy ban Kinh tế Quốc hội phối hợp các cơ quan liên ngành tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Phát biểu tại diễn đàn, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đánh giá kinh tế Việt Nam từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII (2021) tới nay so với các nước xung quanh có những tiến bộ đáng ghi nhận. Kinh tế vĩ mô ổn định, dù phát triển chậm hơn tốc độ đề ra nhưng "vẫn ở mức tương đối".

'Nếu bộ máy sợ đến mức không dám làm, nền kinh tế Việt Nam sẽ khốn đốn' - Ảnh 1.

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Trong ngoại giao, ông Nguyễn Sĩ Dũng cũng cho rằng ngoại giao kinh tế của Việt Nam rất giỏi. Với chính sách "ngoại giao cây tre", Việt Nam đã tạo điều kiện làm bạn và hợp tác với tất cả các nước. "Đó là điều chưa từng có", ông Dũng nói.

Nhắc đến việc ông Jensen Huang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Nvidia (Mỹ) vừa đến Hà Nội, ông Dũng cho rằng việc này đánh dấu định hướng ngoại giao kinh tế chuyển sang cao hơn như hợp tác trong lĩnh vực chip bán dẫn. Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá cao hướng đi này và cho rằng đây là điều kiện tốt để chuyển sang nền kinh tế với chất lượng cao hơn.

Dù vậy, ông Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng còn nhiều thách thức đặt ra do Việt Nam phải chịu ảnh hưởng lớn từ nền kinh tế thế giới. Đặc biệt, các lĩnh vực như việc làm, dệt may bị ảnh hưởng nhiều khi số lượng người mất việc lớn, khiến đời sống người lao động khó khăn.

"Những ngành dệt may, da giày tạo nhiều công ăn việc làm, mang lại đời sống tốt hơn, khá giả hơn cho hàng triệu lao động, sắp tới sẽ rất khó khăn", ông Dũng dự báo, cho rằng những vấn đề này sẽ tác động trực tiếp, tiêu cực đến kinh tế Việt Nam.

Do đó, theo ông Dũng, tới đây phải làm sao để tăng khả năng chống chịu của kinh tế Việt Nam. Cần coi đây là một phần của chính sách, tránh hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài.

"Xuất khẩu ra thị trường thế giới vẫn là định hướng nên giữ, nhưng rõ ràng cần chiến lược để thúc đẩy khai thác thị trường nội địa bởi đây là thị trường rất quan trọng", ông Dũng nhấn mạnh cần cân đối lại định hướng xuất khẩu.

Một bất cập khác được ông Dũng chỉ ra là chính sách thuế của Việt Nam, khi so với thế giới, chính sách thuế của chúng ta cao hơn, điển hình như thuế thu nhập doanh nghiệp. Thực tế này khiến doanh nghiệp phải tìm nơi đầu tư ở những nơi có thuế thấp hơn. Theo ông, đây cũng là câu trả lời cho vấn đề: "vì sao doanh nghiệp Việt Nam lại sang Singapore khởi nghiệp?".

Ông Nguyễn Sĩ Dũng lưu ý chống tham nhũng nhưng phải đảm bảo an toàn pháp lý cho bộ máy, đây là vấn đề rất quan trọng. "Đặc biệt, Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản là các nước Đông Bắc Á, bộ máy nhà nước có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế, khác với các nước châu Âu", ông Dũng nhấn mạnh.

"Nếu bộ máy sợ đến mức không dám làm như thế này kinh tế Việt Nam sẽ vô cùng khốn đốn. Vì vậy, phải bảo đảm an toàn cho bộ máy. Cái gì đúng, thủ tục đúng thì làm, không nên chính trị hóa những chuyện liên quan đến nền công vụ và cần xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, giỏi".

Cải cách về thể chế, chính sách cần căn cơ hơn

Trong khi đó, PGS - TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng đánh giá giữa thế giới bất ổn, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, đó là một thành công. Song ông cũng đặt ra nhiều vấn đề bất cập trong nội tại nền kinh tế cần đánh giá, nghiên cứu và đưa ra giải pháp.

'Nếu bộ máy sợ đến mức không dám làm, nền kinh tế Việt Nam sẽ khốn đốn' - Ảnh 2.

PGS - TS Trần Đình Thiên

NHẬT THỊNH

"Kinh tế Việt Nam chưa bao giờ khó như hiện nay. Cần đánh lại để phát hiện ra những vấn đề của nền kinh tế. Kinh tế sáng nhưng sáng ra sao? Vì sao doanh nghiệp vừa qua rời bỏ thị trường, đóng cửa nhiều đến vậy?", ông Thiên đặt vấn đề, và cho rằng nếu đánh giá đúng sẽ nhận diện được những vấn đề lớn trong phát triển.

Về cải cách thể chế, ông Thiên đánh giá chúng ta có nhiều thay đổi, đặc biệt trong 3 năm qua - 3 năm cực kỳ bất thường của kinh tế thế giới và cả Việt Nam.

"Trong bối cảnh sóng gió và biến động kinh khủng như vậy, bên cạnh việc kiên định những cái "bất biến", Việt Nam vẫn có những cái "ứng vạn biến", mà nhờ vào đó để ứng phó được với khó khăn", ông Thiên nói.

Cho rằng cải cách về thể chế, chính sách cần căn cơ hơn, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên dẫn chứng vừa qua, trong câu chuyện về đầu tư công, phát triển kinh tế tư nhân hay sự "gay go" của hệ thống ngân hàng, Chính phủ đã nỗ lực giải quyết và đạt kết quả, song vẫn còn nhiều việc chưa làm được.

Một cách khái quát, ông Thiên cho rằng từ Đại hội XIII tới nay, không gian phát triển của Việt Nam đã được mở rộng, không bị "đóng cứng" như trước.

Nhắc đến việc nhiều tập đoàn công nghệ gần đây vào Việt Nam tìm hiểu cơ hội và đặt nền móng đầu tư, ông Thiên nhấn mạnh chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận để định hình chiến lược, tìm giải pháp hiệu quả hơn trong nửa nhiệm kỳ sau và nhiệm kỳ tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.