'Kỳ vọng học sinh 18 tuổi chọn đúng ngành để đi trọn đời là bất khả thi'

Ngọc Long
Ngọc Long
17/05/2024 09:16 GMT+7

Trong bối cảnh thị trường lao động và xã hội liên tục biến động, học sinh nên chọn ngành từ sớm và không chỉ dừng ở một 'con đường' mà phải mở rộng thành quỹ đạo sự nghiệp, theo chuyên gia.

Thạc sĩ Trần Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành SiF Career, chia sẻ với phụ huynh và học sinh trong một ngày hội thông tin tại TP.HCM

Thạc sĩ Trần Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành SiF Career, chia sẻ với phụ huynh và học sinh trong một ngày hội thông tin tại TP.HCM

NGỌC LONG

Chỉ vài tuần nữa, học sinh trên cả nước sẽ chính thức bước vào kỳ nghỉ hè. Đây không chỉ là thời điểm các bạn tham gia các hoạt động vui chơi, mà còn là cơ hội để có thể tìm hiểu thêm về ngành nghề và công việc tương lai, từ đó sớm ra quyết định phù hợp nhất cho bản thân và gia đình. Và việc chọn ngành cũng là kỹ năng cần phải học mới làm tốt được, theo chuyên gia hướng nghiệp.

Phụ huynh ít tự tin hơn khi tư vấn cho con

Thạc sĩ Trần Thị Ngọc Thủy, ngành định hướng và tư vấn hướng nghiệp ĐH Queensland (Úc), hiện là Giám đốc điều hành SiF Career, cho biết do tác động của công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI), những năm tới sẽ hình thành thêm nhiều công việc mới và chứng kiến sự biến mất của không ít ngành nghề. Điều này không chỉ tác động đến thị trường lao động mà còn giảm sự tự tin của cha mẹ khi tư vấn hướng nghiệp cho con.

"Nhiều phụ huynh thú nhận sự tự tin của họ giảm đến hơn một nửa, bởi dù có kiến thức lẫn kinh nghiệm, họ vẫn ngại ngần tư vấn cho con vì không chắc những yếu tố này có còn chính xác trong tương lai hay không, nhất là khi mọi thứ thay đổi liên tục. Ngược lại, nhiều bạn trẻ chưa đủ tự tin để đưa ra quyết định, nên việc kỳ vọng một học sinh 18 tuổi chọn đúng ngành để đi trọn đời là bất khả thi", bà Thủy nhận định.

Cũng theo nữ chuyên gia, ngày xưa khái niệm "con đường sự nghiệp" (career path) khá phổ biến vì các công ty hoạch định lộ trình thăng tiến rõ ràng cho nhân viên, dựa theo ngành hay số năm làm việc. Còn bây giờ, trong một tương lai bất định nơi các cuộc sa thải thường xuyên diễn ra, "quỹ đạo sự nghiệp" (career trajectory) thay thế cho "con đường" bằng phẳng trước kia, trở thành khái niệm mới mà người trẻ phải lưu tâm.

"Đó cũng là lý do học sinh cần học kỹ năng ra quyết định liên quan đến sự nghiệp (make career decision) và áp dụng nó trong các thời điểm khác nhau, khi bây giờ các bạn không chỉ cạnh tranh trong 'ao làng' như trước nữa", bà Thủy nói.

Sự phát triển của công nghệ tác động đến cả thị trường lao động và lộ trình phát triển sự nghiệp. Trong ảnh: Học sinh THPT lắp ráp, lập trình máy tái chế chai nhựa thành vật liệu in 3D

Sự phát triển của công nghệ tác động đến cả thị trường lao động và lộ trình phát triển sự nghiệp. Trong ảnh: Học sinh THPT lắp ráp, lập trình máy tái chế chai nhựa thành vật liệu in 3D

NGỌC LONG

3 nhân tố hợp thành một quyết định đúng đắn đến sự nghiệp

Thạc sĩ Thủy chia sẻ, có 3 nhân tố hợp thành một quyết định đúng đắn liên quan đến sự nghiệp. Đầu tiên, học sinh cần hiểu rõ bản thân, như mình là ai, muốn trở thành ai trong tương lai. Tiếp theo, các bạn cần có thông tin về thế giới nghề nghiệp trước sự thay đổi thường xuyên và nhanh chóng ở các lĩnh vực. Cuối cùng, học sinh phải nắm rõ các nhân tố ảnh hưởng chính, như toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu, nền kinh tế tri thức...

"Thế giới nghề nghiệp và nhân tố ảnh hưởng chính là hai phần mà con cái vẫn rất cần sự hỗ trợ và khuyến khích từ phụ huynh, như cung cấp tài liệu, rèn giũa cho con kỹ năng tìm kiếm thông tin hoặc tạo điều kiện để con có thể gặp gỡ những người đi trước... Nhìn chung, cha mẹ sẽ đóng vai một người hướng dẫn thay vì quyết định thay con, để con tự sàng lọc thông tin sau đó đưa chúng ta góp ý thêm", bà Thủy nêu quan điểm.

Nên sớm bắt đầu từ lớp 10

Theo tiến sĩ Nguyễn Vinh Quang, ngành quản lý giáo dục tại ĐH Hertfordshire (Anh), hiện là Giám đốc Tổ chức giáo dục hướng nghiệp quốc tế Mr.Q, để thực sự chốt được ngành học phù hợp, học sinh cần sớm chuẩn bị ngay từ lớp 10. "Nếu không, các bạn dễ rơi vào mơ hồ khi chọn ngành, chọn ngành theo yêu cầu của cha mẹ hay thậm chí mất định hướng khi đang học ĐH, CĐ", tiến sĩ Quang nhận định.

Một trong những phương pháp hiệu quả, theo ông Quang, là học sinh cần dấn thân vào chính ngành nghề mình quan tâm ngay từ thời phổ thông, có thể thông qua hình thức thực tập, học việc không lương. Hãy chủ động tìm đến những bậc tiền bối có thể hỗ trợ mình trải nghiệm hoặc thông tin. Bởi, khi "va chạm" càng nhiều, các bạn sẽ càng hiểu câu chuyện nghề nghiệp tương lai và càng kiên định với lựa chọn của mình.

Tiến sĩ Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc Tổ chức giáo dục hướng nghiệp quốc tế Mr.Q, trong một phiên tư vấn cho sinh viên

Tiến sĩ Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc Tổ chức giáo dục hướng nghiệp quốc tế Mr.Q, trong một phiên tư vấn cho sinh viên

NGỌC LONG

Và dù chọn nghề là quyết định cá nhân, học sinh cũng cần tìm đến phụ huynh để nhận được sự tư vấn cần thiết ở góc độ xã hội, như nhu cầu của thị trường lao động, thu nhập ngành nghề... "Chưa kể, sau nửa năm đến một năm đi học, khả năng cao các bạn sẽ nhận ra mình có thực sự phù hợp với ngành học hiện tại hay không. Và đây là lúc các bạn cần ra quyết định càng sớm càng tốt", tiến sĩ Quang lưu ý.

Trong trường hợp sinh viên đang học tập ở nước ngoài, ông Quang cũng lưu ý quy định thị thực du học của các quốc gia không quá khắt khe về việc chuyển ngành, trừ khi các bạn muốn chuyển bậc học như từ ĐH xuống trường nghề. "Quan trọng nhất là hãy làm việc kỹ với trường và đơn vị tư vấn du học để hiểu rõ các quy định, thủ tục cần làm để tránh rủi ro không đáng có", tiến sĩ Quang cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.