Khi di sản thay đổi để hiện đại

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
19/11/2023 00:08 GMT+7

Cảm giác nặng nề, buồn tẻ về di sản công nghiệp đã nhường chỗ cho sự sống động nhưng vẫn mang chiều sâu văn hóa. Đó là các di sản khi đã hòa mình vào Lễ hội thiết kế sáng tạo ở Hà Nội năm nay.

Cưỡi ngựa Thiết Mộc Chân

Khi cô thiếu nữ Diệu Hàm cùng chú ngựa cao lớn lông bóng Thiết Mộc Chân lên sân khấu khai mạc Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm nay, nhiều khán giả ở dưới sững người vì vẻ đẹp của đời sống xưa. "Thời Lý - Trần hào hùng. Những chiến binh thời Trần chống quân Nguyên Mông ám ảnh tôi. Các chiến binh như vậy rất ít khi xuất hiện trước mắt công chúng theo dạng trải nghiệm ngay sát mặt, để họ có cảm giác quá khứ và lịch sử ở ngay cạnh mình. Tôi muốn mọi người được thấy chiến mã. Tôi muốn đan cài yếu tố lịch sử để gợi nhớ hình ảnh ông cha mình", ông Nguyễn Quốc Hoàng Anh, đạo diễn chương trình, nói.

Khi di sản thay đổi để hiện đại - Ảnh 1.

Biểu diễn thời trang, âm nhạc ở không gian Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023

BTC

Lịch sử đã được kể theo cách giàu trải nghiệm và ngay sát với công chúng như thế và không chỉ ở trong đêm khai mạc. Những cảm hứng như vậy cũng có mặt ở nhiều không gian trong Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Trong những ngày này, cả nhà máy là một khu công nghiệp sáng tạo khổng lồ. Tới đây, công chúng có thể được xem họa sĩ Trịnh Minh Tiến làm nhòe những hình ảnh danh thắng trên những nắp xe ô tô. Những chiếc đèn kết từ tre nứa cũng được đưa tới, đẹp tới mức ai nhìn thấy cũng muốn giá như nhà mình có chúng.

Ngay cả những nghiên cứu trong lễ hội cũng được trình bày giàu sức sáng tạo, rất gần với kỹ thuật trưng bày bảo tàng và nghệ thuật sắp đặt. Nhóm Hanoi Ad Hoc lại kể vô số câu chuyện nhà máy ở Hà Nội: nhà máy bia, nhà máy xà phòng, nhà máy thuốc lá… Khu vực trưng bày của nhóm tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm có những hố sâu với mặt kính trong để trưng bày ảnh tư liệu. Quá khứ được "đào xới" lại rồi giới thiệu ở đó. Người xem hiểu về cái tên khu "cao - xà - lá" chính là cụm nhà máy Cao su Sao Vàng, Thuốc lá Thăng Long và Xà phòng Hà Nội. "Khát vọng cô đọng của một quốc gia xã hội chủ nghĩa non trẻ. Các sản phẩm của khu "cao - xà - lá" không chỉ đáp ứng nhu cầu vật chất của người VN. Chúng còn góp phần tạo ra lối sống hiện đại, văn minh của một quốc gia độc lập non trẻ giai đoạn hậu thuộc địa", chú thích về khu vực này cho biết.

Khi di sản thay đổi để hiện đại - Ảnh 2.

Biểu diễn thời trang, âm nhạc ở không gian Nhà máy xe lửa Gia Lâm

BTC

Tháp nước Hàng Đậu là một điểm đến được mong chờ. Trong đó, có những sắp đặt âm thanh, ánh sáng, nước và trang trí. Các thiết kế và sáng tạo nội thất trong tháp khiến người xem có cảm tình hơn với những người thiết kế nội, ngoại thất trong nước. Trong số này, họa sĩ Nguyễn Đức Phương đã nhiều năm theo đuổi cảm hứng không gian xưa với chiều sâu văn hóa và sự giản dị.

Có một lịch sử khác cũng được kể lại trong lễ hội năm nay, đó là lịch sử… chim Hà Nội. Triển lãm ảnh các loài chim Hà Nội đất lành chim đậu đang diễn ra ở vườn hoa Nhà bát giác cạnh hồ Gươm. Triển lãm được sắp đặt để trẻ em cũng xem ảnh và đọc được thông tin. Có những chú chim được chụp ở Bờ Vở sông Hồng (Q.Hoàn Kiếm), một khu vực mới đây thôi còn là bãi rác hôi thối, giờ trở thành công viên.

"Qua triển lãm, ban tổ chức mong người dân hiểu và thêm yêu các loài chim của Hà Nội, từ đó tham gia bảo vệ môi trường, tôn trọng sinh vật, thực hành lối sống hài hòa với thiên nhiên", ông Lê Quang Bình, mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống, cho biết.

Sân chơi cho người trẻ và khung pháp lý

Những người tham gia tuần lễ sáng tạo năm nay hầu như đều đã nhiều năm theo đuổi con đường sáng tạo, sáng tạo vì cộng đồng. Nhà thiết kế Nguyễn Phương Chi đã mang mấy chiếc ghế Nordic do mình thiết kế lên con tàu di sản để mọi người được trải nghiệm. Từ những thiết kế vừa giới thiệu ra đã bị làm nhái này, cô đang mỗi lúc một muốn đi xa hơn với ngành thiết kế nội thất trong nước.

Khi di sản thay đổi để hiện đại - Ảnh 3.

Tham quan tháp nước Hàng Đậu

BTC

KTS Nguyễn Tiêu Quốc Đạt là người hễ thấy ở đâu có thể làm sân chơi cho trẻ là tới. Trước lễ hội thiết kế sáng tạo, anh Đạt đã dựng ngựa gỗ, ngựa Thánh Gióng ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Trong hoạt động mở màn lễ hội Hệ mặt trời trong lòng Hà Nội, một sân chơi thiên văn học đã được mở ra. Ở đó, anh Đạt cũng có được sự chung tay của nhiều nhóm trẻ và giỏi, trong đó có Hội Thiên văn Hà Nội. Tại công viên Thống Nhất, Hội Thiên văn Hà Nội đón các bạn yêu thiên văn đến để được hướng dẫn sử dụng thiết bị, thuyết trình về hệ mặt trời. Việc chiêm ngưỡng trực tiếp mặt trời với các vết đen qua các kính thiên văn, ống nhòm hiện đại, giúp các em thấy thiên văn thú vị hơn trước nhiều.

Mặc dù vậy, ở buổi họp báo về lễ hội, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, cho biết cũng có những khó khăn để tiếp tục sử dụng các không gian di sản công nghiệp cho các hoạt động sáng tạo. "Chúng ta chưa có khái niệm di sản công nghiệp. Chúng ta gọi tên như vậy cho dễ thôi chứ theo luật, chúng ta chưa có loại hình này. Sau này sửa luật Di sản văn hóa thì sẽ phải đề xuất thêm. Sau lễ hội này chúng ta cũng phải xem sử dụng không gian như Nhà máy xe lửa Gia Lâm như thế nào", ông Hồng nói.

Cũng theo ông Hồng, ngành văn hóa đã phải làm việc với Tổng công ty Đường sắt VN để có thể tổ chức lễ hội tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Ông cũng phải làm việc với Tổng công ty nước sạch khi muốn sử dụng tháp nước Hàng Đậu. "Sau 10 ngày tổ chức lễ hội, chúng tôi rất mong muốn tìm mọi cơ chế để khai thác mà không vi phạm luật, có thêm cơ chế chính sách để sử dụng được những không gian mà chúng ta gọi là di sản công nghiệp", ông Hồng nói.

Khi di sản thay đổi để hiện đại - Ảnh 4.

Những hình ảnh di sản được vẽ trên nắp xe ô tô

LÊ PHÚ

Khi di sản thay đổi để hiện đại - Ảnh 5.

Hội Thiên văn Hà Nội hướng dẫn trẻ quan sát hệ mặt trời

BTC

Tối 17.11, tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm (Hà Nội), Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 chính thức khai mạc. Lễ hội do Sở VH-TT Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc, Tổng công ty Đường sắt VN phối hợp tổ chức.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 là hoạt động thường niên của TP.Hà Nội nhằm triển khai kế hoạch thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Ngoài không gian chính là Nhà máy xe lửa Gia Lâm, các hoạt động của lễ hội còn được tổ chức tại tháp nước Hàng Đậu, ga Long Biên, ga Gia Lâm… đều là những di sản công nghiệp gắn bó với Hà Nội thời gian qua.

Lễ hội với chủ đề "Dòng chảy" tập trung vào 3 trụ cột chính: thiết kế, cộng đồng, sáng tạo, với hơn 60 hoạt động văn hóa, 4 công trình giới thiệu kiến trúc và các hoạt động nghệ thuật, trưng bày, triển lãm, hội thảo, tọa đàm, chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo… Những hoạt động này sẽ đem đến những ý tưởng cho việc tái thiết những di sản công nghiệp thành những không gian hữu ích, đem lại những giá trị kinh tế - văn hóa - xã hội.

Nhiều tọa đàm, hội thảo trong lĩnh vực thiết kế sẽ diễn ra trong sự kiện như: Diễn đàn Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội, hội thảo quốc tế "Thành phố sáng tạo Hà Nội - Xây dựng thương hiệu và phát triển nguồn lực"…

Trong 10 ngày diễn ra lễ hội (từ 17 - 26.11), những chuyến tàu nối liền ga Hà Nội với Nhà máy xe lửa Gia Lâm sẽ đưa du khách khám phá hành trình nghệ thuật đặc biệt chỉ với giá vé 20.000 đồng/vé khứ hồi/người. Du khách có thể mua vé trực tiếp tại ga hoặc qua kênh bán vé online của Tổng công ty Đường sắt VN.

(Bách Nhật)

Khi di sản thay đổi để hiện đại - Ảnh 7.

Phòng trải nghiệm trên chuyến tàu di sản Long Biên - Gia Lâm

BTC

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.