Phải họp với chủ đầu tư bàn cách bồi hoàn cho dân

28/02/2014 10:18 GMT+7

Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia pháp luật liên quan đến việc Bộ Xây dựng “âm thầm” ban hành Thông tư 03 sửa đổi Thông tư 16 về cách tính diện tích sàn căn hộ.

 Phải họp với chủ đầu tư bàn cách bồi hoàn cho dân
Bộ Xây dựng không thể để người dân phải ‘ôm” cột suốt đời - Ảnh: Hoàng Trang

Đề cập đến trách nhiệm của mình trong việc hướng dẫn cách tính diện tích căn hộ chung cư vừa qua, lãnh đạo Bộ Xây dựng không chỉ khẳng định Thông tư 16 không trái luật, còn cho rằng việc mua bán nhà thực hiện theo nguyên tắc thuận mua vừa bán của Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, trao đổi với PV Thanh Niên ngày 27.2, ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, Bộ Xây dựng không nên “cãi chày cãi cối”, bởi nếu cho rằng không trái thì tại sao lại sửa?

“Luật chỉ đưa ra một cách tính diện tích sàn căn hộ nhưng Bộ Xây dựng đưa ra hai cách là trái thẩm quyền, trái luật. Thỏa thuận giao dịch dân sự nhưng trái với pháp luật thì giao dịch đó không thể coi là hợp pháp”, ông Cương nêu quan điểm.

Theo ông Cương, “cách tốt nhất hiện nay là Bộ Xây dựng nên họp với chủ đầu tư bàn giải pháp, biện pháp bồi hoàn cho dân. Chính Bộ Xây dựng phải chủ động đưa ra biện pháp chứ không thể phủi tay chờ đến khi dân kiện thì sẽ còn nhiều rắc rối”.

Cũng đề cập đến thỏa thuận dân sự, ông Ngô Văn Minh, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, những bản hợp đồng mua bán căn hộ chung cư nào không thể hiện rõ các diện tích chung-riêng thì phải coi đó là vô hiệu, kể cả các hợp đồng theo cách tính từ tim tường cũng là vô hiệu, vì không có cơ sở pháp luật, bởi luật Nhà ở đã quy định rõ ràng về sở hữu chung-riêng.

“Nếu cứ để nguyên như vậy thì cả đời người dân sẽ phải gánh chịu các khoản phí dịch vụ, bảo trì liên quan đến diện tích không phải của họ. Bộ Xây dựng phải có trách nhiệm để làm rõ, chưa nói đến việc ban hành văn bản pháp luật sai trái gây thiệt hại thì phải xem xét theo trách nhiệm bồi thường Nhà nước”, ông Minh nói.

Trao đổi với Thanh Niên về quy trình giải quyết hậu quả của Thông tư 16, tiến sĩ Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, theo đúng trình tự giải quyết vụ việc thì sau phiên giải trình, Ủy ban Pháp luật sẽ có văn bản truyền đạt ý kiến tổng kết, trong đó giao Bộ Xây dựng rà soát lại Thông tư 16 và đưa ra hướng xử lý; đồng thời, có phương hướng để đảm bảo quyền lợi cho người dân đã mua nhà theo phương pháp tính tim tường bao bị thiếu diện tích so với cách tính thông thủy được Quốc hội quy định.

Sau khi nhận được văn bản trên, Bộ Xây dựng phải có văn bản báo cáo phương hướng xử lý vấn đề này gửi Ủy ban Pháp luật và các cơ quan liên quan. Nếu trong văn bản đó, Bộ Xây dựng tiếp tục bảo thủ, bảo vệ quan điểm của mình khi cho rằng đã ban hành Thông tư 16 một cách đúng luật, hợp pháp, Ủy ban Pháp luật có thể thực hiện quyền giám sát để đưa vụ việc ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội và có văn bản báo cáo tới Thủ tướng, trong đó đề xuất hướng xử lý cụ thể.

Cũng theo ông Sơn, trước đó trong nghiên cứu về tính hợp pháp của Thông tư 16 cũng như hai công văn do ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản ký duyệt, nhóm chuyên gia của Ủy ban Pháp luật cũng đã nhận định tất cả đều sai thẩm quyền và đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như Thủ tướng việc Bộ Xây dựng phải thống kê được hết những ảnh hưởng, thiệt hại mà các văn bản trái luật này gây ra trong suốt 3 năm qua.

Thái Sơn - Lê Quân

>> Tranh cãi cách tính diện tích sàn căn hộ
>> Diện tích san hô toàn cầu đang thu hẹp quá nhanh
>> “Săn” căn hộ Phú Mỹ Hưng thời giá rẻ
>> Cháy 4 căn hộ trong khu tập thể
>> Mạo nhận quen lãnh đạo để xin căn hộ
>> Năm 2013, mua bán căn hộ ở TP.HCM tăng 46%
>> Năm 2015 phải hoàn thành 12.500 căn hộ tái định cư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.