Israel - Iran tiến sát miệng hố chiến tranh

21/04/2024 05:26 GMT+7

Tuy cả 2 vụ ăn miếng trả miếng của Iran và Israel lần lượt vào ngày 14.4 và 19.4 không quá nghiêm trọng nhưng đã mở ra một trạng thái mới đầy nguy hiểm cho căng thẳng 2 nước cũng như "lò lửa" Trung Đông.

Đến hôm qua (20.4), Iran tiếp tục thể hiện sự hạ thấp về vụ tấn công được cho là do Israel tiến hành vào ngày 19.4.

Tấn công hay xâm nhập ?

Ban đầu, một số nguồn tin ghi nhận cho rằng vụ tấn công đã đánh trúng một căn cứ không quân gần vùng Isfahan, ở miền trung Iran. Tuy nhiên, cả Tehran lẫn Tel Aviv không phản ứng chính thức để xác nhận bất cứ điều gì.

Reuters hôm qua dẫn lời một quan chức Iran cho hay nước này không có kế hoạch đáp trả lại Israel sau vụ việc ngày 19.4. Truyền thông và các quan chức Iran mô tả một số lượng nhỏ các vụ nổ khi lực lượng phòng không đánh trúng 3 máy bay không người lái (UAV) ở Isfahan. Tehran chỉ gọi đây là một "vụ xâm nhập", tức ám chỉ rằng các UAV trên không đủ sức gây thiệt hại lớn.

Binh sĩ Iran trong một lễ kỷ niệm thường niên vào ngày 17.4

Binh sĩ Iran trong một lễ kỷ niệm thường niên vào ngày 17.4

AFP

Mặc dù quy mô đầy đủ của cuộc tấn công trên vẫn chưa rõ ràng, nhưng cuộc tấn công dường như không nhằm vào cơ sở hạt nhân Natanz, khu vực quan trọng trong chương trình hạt nhân của Iran, nằm cách Isfahan hơn 150 km về phía bắc. Israel từ lâu đã thể hiện rõ mong muốn phá hủy cơ sở nghiên cứu hạt nhân của Iran. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), cơ quan giám sát hạt nhân của LHQ, ngày 19.4 cũng xác nhận "không có thiệt hại" nào đối với các địa điểm hạt nhân của Iran. Trong khi đó, tuy không có vai trò quan trọng như Natanz đối với chương trình hạt nhân của Iran, nhưng Isfahan là nơi có nhiều căn cứ quân sự và sân bay. Vì thế, việc Isfahan trở thành mục tiêu tấn công là lựa chọn đủ để có tính biểu tượng mà không dẫn đến những rủi ro căng thẳng lớn.

Cách phản ứng lẫn quy mô vụ việc không làm giới quan sát bất ngờ. Bởi, như nhiều phân tích, thì hầu hết các bên liên quan trực tiếp Trung Đông hiện nay đều không muốn xung đột lan rộng.

Từ đầu năm đến nay, Mỹ, Iran và Israel đều tiến hành những vụ đáp trả theo xu hướng hạn chế rủi ro căng thẳng leo thang bằng cách để đối phương có thời gian chuẩn bị, thông tin trước về việc tấn công.

Đó là vụ Washington tấn công vào các cơ sở của một số lực lượng thân Iran ở Syria và Iran sau khi căn cứ Mỹ ở Jordan bị tấn công khiến 3 binh sĩ bị chết; Tehran đêm 13 rạng sáng 14.4 tấn công trả đũa Israel vì Tel Aviv ngày 1.4 đã oanh tạc Đại sứ quán Iran ở Syria khiến một số sĩ quan Iran thiệt mạng; mới nhất là vụ Israel được cho là đã tấn công Iran vào ngày 19.4.

Toàn cảnh vụ tấn công được cho là do Israel thực hiện nhằm vào Iran ngày 19.4

Toàn cảnh vụ tấn công được cho là do Israel thực hiện nhằm vào Iran ngày 19.4

Nguồn: Tổng hợp

Trạng thái "bình thường mới" của căng thẳng Israel - Iran

Đến nay, nhiều khả năng đợt "ăn miếng trả miếng" lần này giữa Israel và Iran vẫn nằm trong giới hạn được kiềm chế. Cả hai bên đều không đẩy xung đột lan rộng mà chỉ mới dừng ở mức cảnh báo, răn đe lẫn nhau.

Thế nhưng, những diễn biến vừa qua thực tế đã đẩy xung đột Israel - Iran ra khỏi lằn ranh suốt nhiều năm qua là hai bên không tấn công trực tiếp vào lãnh thổ của nhau mà chỉ giới hạn trong việc Israel và các lực lượng thân Iran (được xem là lực lượng ủy nhiệm) trực tiếp đụng độ nhau. Trước đây, trong lòng Iran thì Israel được cho là chỉ thực hiện những phi vụ ám sát, phá hủy cơ sở.

Chính vì thế, khi tấn công trực tiếp vào lãnh thổ đối phương, những vụ tấn công đáp trả của Israel và Iran vừa qua đều được hiểu là thông điệp sẵn sàng tấn công trực tiếp vào nhau. Đây chính là một trạng thái "bình thường mới" đầy nguy hiểm sau hơn nhiều thập niên căng thẳng giữa hai nước. Điều này đồng nghĩa với việc cả hai nước tiến sát miệng hố chiến tranh.

Chính vì thế, dù đợt "ăn miếng trả miếng" lần này giữa Israel và Iran có lắng xuống, thì trong dài hạn, hiểm họa xung đột dâng cao giữa 2 nước vẫn là mồi lửa đang chực chờ sẵn sàng bùng cháy lớn bất cứ lúc nào.

Và dường như, Washington cũng đã sẵn sàng cho rủi ro vừa nêu khi đẩy nhanh việc siết chặt vòng vây xung quanh Tehran. Trong lần Iran tấn công Israel vào ngày 14.4 vừa qua, khoảng 99% tên lửa đã bị Israel cùng Mỹ và đồng minh đánh chặn.

Việc đánh chặn hiệu quả như vậy là nhờ vào mạng lưới phòng thủ dày đặc mà Mỹ thiết lập gần đây ở khu vực. Cụ thể, đó là các tàu chiến và chiến đấu cơ được Mỹ đồn trú ở khu vực, các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) và phòng thủ tên lửa tầm xa Patriot đã được triển khai ở Iraq, Kuwait, UAE, Qatar, Ả Rập Xê Út, Jordan và tại căn cứ bí mật mang mã 512 mà Mỹ đặt ở Israel. Bahrain đã mua tên lửa Patriot để trở thành một phần của mạng lưới. Tất cả tạo thành một vành đai phòng thủ nhằm hạn chế khả năng tấn công tên lửa của Iran. 

Nổ lớn tại căn cứ của nhóm thân Iran tại Iraq, Mỹ lập tức lên tiếng

Mỹ trừng phạt công dân và tổ chức Israel

Israel không kích Rafah, Đức điều tàu chiến mới đến biển Đỏ

Chính phủ Mỹ ngày 19.4 công bố lệnh trừng phạt ông Ben-Zion Gopstein, đồng minh của Bộ trưởng An ninh Quốc gia Israel Ben-Gvir và là lãnh đạo tổ chức cực hữu Lehava. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller, nhóm này dính líu đến các hoạt động bạo lực "làm mất ổn định" ở Bờ Tây, một trong các khu vực mà người Palestine cư trú.

Mỹ cũng trừng phạt 2 tổ chức của Israel là Quỹ Mount Hebron và tổ chức phi lợi nhuận Shlom Asiraich, do từng đứng ra gây quỹ cho những người mà Washington xem là "phần tử cực đoan" và đã áp lệnh trừng phạt hồi tháng 2 vì gây ra bạo lực ở Bờ Tây.

* Liên quan tình hình Gaza, Theo Cơ quan phòng vệ dân sự Gaza, Israel tập kích xuyên đêm 19.4 khiến 9 thành viên trong một gia đình người Palestine ở thành phố Rafah phía nam Gaza thiệt mạng, trong đó có 5 trẻ em từ 1 - 7 tuổi.

Trong khi đó, AFP ngày 20.4 đưa tin Đức sẽ điều một tàu hộ tống mới đến biển Đỏ vào tháng 8 để giúp đảm bảo lưu thông tuyến hàng hải vốn bị gián đoạn suốt nhiều tháng do bị lực lượng Houthi ở Yemen tấn công. 

Lam Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.