Hiểm họa từ hội nhóm 'vỡ nợ muốn làm liều' đến cướp ngân hàng

24/11/2023 07:00 GMT+7

Các hội nhóm theo kiểu "vỡ nợ muốn làm liều" tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm, trong đó có tội phạm cướp ngân hàng.

Cảnh giác với hội nhóm kiểu "vỡ nợ muốn làm liều"

Theo thượng tá, tiến sĩ tội phạm học Đào Trung Hiếu, thời gian gần đây trên mạng xã hội xuất hiện các nhóm kín rất nguy hiểm, kiểu như nhóm "vỡ nợ muốn làm liều". Thành viên tham gia thường là những người không có việc làm, thu nhập; đang gặp khó khăn, túng quẫn, nợ nần; hoặc các đối tượng nghiện ma túy, cờ bạc, cần tiền cho nhu cầu cá nhân.

Khi vào các nhóm kín trên mạng, các thành viên kết bạn và tương tác với nhau. Từ đây, những ý tưởng phạm tội như trộm cắp, lừa đảo, đặc biệt là rủ nhau đi cướp tài sản tại các ngân hàng, cửa hàng tiện ích... có thể nảy sinh.

Hiểm tọa từ hội nhóm 'vỡ nợ muốn làm liều' đến cướp ngân hàng - Ảnh 1.

Những hội nhóm quái gở trên Facebook theo kiểu "vỡ nợ muốn làm liều"

CHỤP MÀN HÌNH

Đối với ý định cướp ngân hàng, nếu chỉ có một mình, có thể đối tượng không dám thực hiện, vì biết đó là hành động liều lĩnh, rủi ro rất cao, nguy cơ bị bắt giữ, xử lý hình sự luôn hiện hữu.

Nhưng khi có từ 2 người trở nên, quá trình tương tác, chia sẻ ý định phạm tội, sự có mặt của nhiều người khiến đối tượng vững tâm và củng cố quyết tâm thực hiện tội phạm.

Bên cạnh đó, khi có hội nhóm, việc chuẩn bị công cụ phương tiện, lên kế hoạch gây án, phân công vai trò, trách nhiệm cho từng người, hoạt động thăm dò, khảo sát địa hình, địa vật, chuẩn bị gây án và che giấu tội phạm... được bàn bạc, tính toán và triển khai bài bản.

Do đó, tính chất nguy hiểm của tội phạm tăng lên gấp bội, đe dọa gây ra những hậu quả, thiệt hại lớn hơn hành động mang tính bột phát, đơn lẻ.

Cảnh bảo về những hội nhóm "quái gở" trên mạng xã hội

Có sơ hở trong công tác bảo vệ?

Vẫn theo thượng tá Hiếu, phòng giao dịch, chi nhánh của các ngân hàng là nơi chứa khối tài sản rất lớn nên các băng nhóm tội phạm thường hướng tới. Vì lượng người ra vào giao dịch tại các phòng giao dịch khá đông, nên các đối tượng có thể trà trộn, nhập vai khách hàng vào giao dịch để nắm tình hình về công tác bảo vệ, tìm hiểu đường đi lối lại, quy luật làm việc của nhân viên ngân hàng… trước khi gây án.

Hiểm tọa từ hội nhóm 'vỡ nợ muốn làm liều' đến cướp ngân hàng - Ảnh 2.

Thượng tá Đào Trung Hiếu

NVCC

Trên thực tế, hầu như các vụ cướp ngân hàng đều được khám phá rất nhanh, bởi có sự tập trung cao về lực lượng, phương tiện, biện pháp của cơ quan chức năng trong truy xét thủ phạm.

Cạnh đó, khi xảy ra cướp, ngoài việc hệ thống camera an ninh lưu lại diễn biến sự việc, thì ngân hàng là nơi tập trung nhiều người, nên đều có nhiều nhân chứng. Ngoài ra, nhiều ngân hàng đã kết nối đường dây nóng với công an cơ sở, trang bị hệ thống báo động, nên sự việc sẽ được thông báo nhanh chóng đến cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số vụ cướp ngân hàng nghiêm trọng xảy ra, liệu có sơ hở, thiếu sót, lỏng lẻo trong công tác bảo vệ của các ngân hàng?

Thượng tá Đào Trung Hiếu cho rằng, một phần nguyên nhân đúng là từ ý thức cảnh giác của lãnh đạo cũng như nhân viên bảo vệ ngân hàng còn hạn chế; có thể là sự chủ quan, không nghĩ đến khả năng điểm giao dịch của mình trở thành mục tiêu của tội phạm.

Thực tế, một số ngân hàng việc triển khai các biện pháp để phòng ngừa tội phạm chưa đáp ứng được yêu cầu. Bằng chứng là sự lỏng lẻo trong công tác bảo vệ. "Chúng ta có thể thấy ở nhiều địa điểm chi nhánh ngân hàng, phòng giao dịch… có lực lượng bảo vệ rất mỏng, chỉ khoảng 1 - 2 người. Thậm chí, nhân viên bảo vệ cũng cao tuổi, chỉ có thể trông xe, chứ không thể có khả năng tấn công tội phạm, bảo vệ các nhân viên hoặc khách hàng khi có vụ cướp ngân hàng xảy ra", ông Hiếu nói.

Vị thượng tá cũng cho rằng, việc trang bị công cụ hỗ trợ giúp cho lực lượng bảo vệ làm nhiệm vụ nhiều nơi không được đáp ứng. Có nơi, bảo vệ chỉ mặc đồng phục, không có công cụ gì giúp họ có thể đương đầu khi vụ cướp xảy ra; hoặc bảo vệ thiếu kỹ năng, phương án ứng xử khi đối diện với kẻ cướp.

Hiểm tọa từ hội nhóm 'vỡ nợ muốn làm liều' đến cướp ngân hàng - Ảnh 3.

Trần Văn Trí (trái) và Nguyễn Mạnh Cường, hai nghi phạm trong vụ cướp ngân hàng tại TP.Đà Nẵng vừa qua. Cả hai quen nhau khi cùng lên hội nhóm trên mạng xã hội bàn cách xù nợ, làm liều

NGUYỄN TÚ

Giải pháp nào phòng ngừa cướp ngân hàng?

Để chủ động phòng ngừa, thượng tá Hiếu cho rằng lãnh đạo và nhân viên ngân hàng phải thường xuyên cập nhật tình hình, nắm được những phương thức, thủ đoạn của tội phạm cướp ngân hàng.

Cùng với đó là phối hợp với ngành chức năng xây dựng phương án và diễn tập bảo vệ chống đột nhập, cướp tiền, tài sản; tổ chức tập dượt thường xuyên các phương án, sao cho tất cả nhân viên ngân hàng và bảo vệ đều làm chủ được các kỹ năng ứng phó trong các tình huống phức tạp.

Một biện pháp nữa, phải chủ động rà soát lại lực lượng bảo vệ chuyên trách, đảm bảo đủ về số lượng, có sức khỏe, nhanh nhạy và phải thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ, chú trọng kỹ năng phát hiện dấu hiệu bất thường, kỹ năng xử lý tình huống bị cướp có thể xảy ra.

Đồng thời trang bị vũ khí được pháp luật cho phép sử dụng, để đội ngũ nhân viên bảo vệ có khả năng phòng vệ, ngăn chặn các vụ cướp; thường xuyên bảo dưỡng hệ thống thiết bị an ninh như cảm biến nhiệt, cảm biến hồng ngoại, camera, báo động, báo cháy; thiết lập đường dây nóng và có cơ chế phối hợp chặt chẽ với công an cơ sở…

Xem nhanh 12h ngày 24.11:  Thời sự toàn cảnh

Làm gì khi đối diện với cướp ngân hàng?

Theo thượng tá Đào Trung Hiếu, khi vụ cướp đã xảy ra, bảo vệ và nhân viên ngân hàng cần bình tĩnh, không làm gì để kích động nỗi sợ bị bắt trong tâm lý kẻ cướp.

Mục đích của tội phạm là tiền chứ không phải đoạt mạng người, nhưng nếu xử lý tình huống không khéo, có thể khiến bọn cướp tấn công quyết liệt để chiếm đoạt được tài sản, hoặc điên cuồng chống trả để chạy thoát thân.

Trong lúc tiếp xúc với đối tượng, mọi người cần giữ bình tĩnh, kín đáo quan sát, ghi nhớ các đặc điểm về trang phục, hình dáng, cử chỉ, giọng nói, độ tuổi… để cung cấp cho cơ quan điều tra về sau.

Cùng với đó là tận dụng tối đa thời cơ đối tượng sơ hở, bí mật báo tin cho cơ quan công an gần nhất. Nếu có thời cơ và hơn hẳn về lực lượng, hoặc phát hiện vũ khí giả, bảo vệ và nhân viên ngân hàng có thể bất ngờ tấn công đối tượng để vô hiệu hóa hoặc bắt giữ…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.