Bỏ sổ hộ khẩu, nhiều vấn đề chưa được làm rõ

10/06/2020 06:41 GMT+7

Theo ĐB Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc), cần hiểu là chúng ta không bỏ hộ khẩu, chỉ thay đổi cách thức quản lý từ sổ hộ khẩu sang phương thức hiện đại hơn là mã số định danh cá nhân.

Thảo luận ở tổ về dự án luật Cư trú (sửa đổi) chiều 9.6, các đại biểu Quốc hội tập trung vào 2 điều khoản mang tính đột phá nhất là bỏ sổ hộ khẩu và bỏ điều kiện riêng để đăng ký thường trú vào các TP lớn.
Trong khi nhiều đại biểu (ĐB) hoan nghênh thì nhiều ĐB khác tỏ ra thận trọng với những điều khoản này.

Bộ trưởng Bộ Công an trình quốc hội việc bỏ sổ hộ khẩu

Bỏ sổ hộ khẩu, không phải bỏ hộ khẩu

ĐB Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) cho biết ủng hộ việc trình dự án luật này ra Quốc hội (QH), tán thành nội dung sửa đổi có những điểm rất đột phá, như thay sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng mã số định danh cá nhân; bỏ một số điều kiện riêng để nhập hộ khẩu vào các TP lớn. Ông Hà cho rằng 2 nội dung này nếu được QH thông qua sẽ đảm bảo quyền tự do cư trú của người dân theo quy định của Hiến pháp.
Tuy nhiên, theo ông Hà, trong thiết kế phải hết sức thận trọng, vì đây dù chỉ là vấn đề cư trú nhưng liên quan rất nhiều luật khác, như luật Thủ đô, luật Lý lịch tư pháp, luật Doanh nghiệp, luật Đất đai, luật Nhà ở, luật Căn cước công dân, luật Hộ tịch, luật Thi hành án hình sự, luật Thi hành tạm giữ, tạm giam… “Sổ hộ khẩu rất mật thiết với người dân. Cần hiểu là chúng ta không bỏ hộ khẩu, chỉ thay đổi cách thức quản lý từ sổ hộ khẩu sang phương thức hiện đại hơn là mã số định danh cá nhân. Nhiều người nghĩ rằng bỏ hộ khẩu, nhưng không phải, vì nó còn liên quan đến rất nhiều vấn đề quản lý xã hội”, ông Hà nhấn mạnh.
Quan điểm của tôi là phải nghiên cứu rất kỹ và lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân để đảm bảo tính phù hợp, tính khả thi
ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn)
Theo ĐB Hà, để làm được điều này còn nhiều vấn đề. Dẫn số liệu theo Tờ trình của Chính phủ, ĐB Hà cho biết hiện mới cấp được 18 triệu mã số định danh công dân, vẫn còn 80 triệu nữa - một con số rất lớn, cần rất nhiều kinh phí. Để vận hành được mã số định danh công dân, cũng có 2 việc rất quan trọng phải hoàn thiện là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu về cư trú. Cả 2 đều “đang triển khai”, không biết đến lúc luật có hiệu lực có kịp không.

Sổ hộ khẩu: Bạn có bị ám ảnh không?

Lấy ý kiến nhân dân để đảm bảo khả thi

ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) lưu ý luật này rất phức tạp, vì liên quan đến một loạt quyền công dân như chỗ ở, tài sản, đi lại..., liên quan một loạt hệ thống các luật và toàn bộ người dân, “kể cả chúng ta” - tức là các ĐBQH. “Chỉ cần một điều khoản quy định không phù hợp là vướng hoàn toàn. Quan điểm của tôi là phải nghiên cứu rất kỹ và lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân để đảm bảo tính phù hợp, tính khả thi. Cứ cho nó trôi đi thì khi thực thi mới thấy vướng. Cần rà soát kỹ từ khái niệm”, ông Thành nói.
Theo ĐB Thành, việc bỏ sổ hộ khẩu cũng cần cân nhắc, cần có lộ trình, chứ bỏ luôn thì hàng loạt quan hệ dân sự khác, bao nhiêu chế độ, chính sách khác sẽ xử lý ra sao vẫn chưa được trả lời rõ. “Tôi rất băn khoăn về hạ tầng. Đưa vào mã hóa hết thì hạ tầng kỹ thuật của chúng ta có đảm bảo để người dân truy cập, bảo đảm tính thuận lợi không? Rồi liên thông giữa hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư này với hệ thống cơ sở dữ liệu khác. Phải xử lý thế nào để người dân khỏi phải đi chứng minh đi chứng minh lại, xác minh đi xác minh lại khi ta bỏ sổ hộ khẩu. Vừa qua đã xảy ra rồi, nhưng không hiểu được xử lý thế nào”, ĐB Thành nêu vấn đề.
ĐB Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, cũng lưu ý vấn đề ở đây không chỉ là vào thời điểm luật này có hiệu lực (dự kiến là tháng 7.2021) phải hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu cư trú, mà còn phải đảm bảo kết nối các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác như cơ sở dữ liệu về hộ tịch, cơ sở dữ liệu về quản lý xuất nhập cảnh... Kết nối không chỉ trong hệ thống của ngành công an mà còn phải kết nối với cơ quan tổ chức khác đang cung cấp dịch vụ công, thực hiện thủ tục hành chính.
“Phải kết nối được suôn sẻ thì các cơ quan mới được cấp quyền truy cập cơ sở dữ liệu, từ đó mới lấy được thông tin cần thiết theo phân quyền thực hiện thủ tục hành chính. Như thế thì bỏ sổ hộ khẩu mới khả thi”, ĐB Tùng nêu, đồng thời cho rằng ngoài việc đảm bảo cơ sở hạ tầng, còn phải sửa đổi rất nhiều văn bản, thủ tục hành chính quy định dưới luật liên quan tới sổ hộ khẩu. “Quan trọng hơn là xác định phương thức thay thế sổ hộ khẩu, tránh tình trạng luật có hiệu lực rồi, công dân đi làm thủ tục hành chính thì lại vướng mắc, gây xáo trộn rất lớn trong đời sống người dân”, ông Tùng nói.

Lo thành phố lớn “vỡ trận” nếu bỏ điều kiện riêng nhập hộ khẩu

Bàn về việc bỏ điều kiện riêng đăng ký thường trú tại một số TP lớn, ĐB Trần Hồng Hà nhiệt liệt ủng hộ, bởi đây là một hàng rào kỹ thuật không hiệu quả. ĐB Hoàng Thanh Tùng, đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, cho biết đa số ĐB trong Ủy ban Thẩm tra đồng tình nên bãi bỏ, bởi qua giám sát việc thực hiện luật Thủ đô, việc này chỉ ngăn người dân nhập khẩu vào Hà Nội, chứ không hạn chế được người dân đến cư trú tại đây. Mặt khác, quy định này lại gây bất công, khi cùng cư trú tại TP nhưng người có hộ khẩu thì được hưởng rất nhiều dịch vụ như giáo dục, khám chữa bệnh... còn người tạm trú lại không.
Ngược lại với quan điểm này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng “cần cân nhắc kỹ”. Theo ông Huệ, hiện Hà Nội có 1,2 triệu người tạm trú, nếu xóa điều kiện riêng thì số tạm trú này sẽ trở thành thường trú. Hiện Hà Nội đang có hơn 8 triệu dân và số dân liên quan đến tiêu chí phân bổ ngân sách, chi tiêu. Nếu bây giờ cộng thêm hơn 1,2 triệu dân thì điều chỉnh thế nào?
Ông Huệ đơn cử, Q.Hoàng Mai có 550.000 dân, nhiều hơn dân số tỉnh Bắc Kạn, thì số vãng lai là 150.000 người. Với tốc độ tăng dân số cơ học như vậy mà xóa điều kiện riêng thì dân số sẽ lên rất nhanh, trong khi các quận nội thành hầu như đã bế tắc trong việc giải quyết vấn đề gia tăng dân số cơ học. “Việc bỏ điều kiện riêng về lý thuyết thì hoàn toàn đúng, nhưng phải nghĩ ra cách nào đó để điều tiết di dân tự do bằng giải pháp kinh tế”, ông Huệ nói.
 

Chuyển dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công có đảm bảo chất lượng?

Trình bày tờ trình của Chính phủ tại QH sáng 9.6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề nghị QH thông qua nghị quyết chuyển đổi hình thức đầu tư từ đối tác công tư sang đầu tư công đối với 3 dự án của cao tốc Bắc - Nam: đoạn Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.
Thảo luận tại tổ sau đó, nhiều ĐB cho rằng lý do Chính phủ đưa ra để đề nghị đổi 3 dự án này sang đầu tư công là “chưa thuyết phục”. ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) nhận định, lý do Chính phủ xin chuyển đổi là khó huy động vốn từ ngân hàng, nhưng khi làm việc với 19 nhà đầu tư của 7/8 dự án PPP thì họ đều cam kết là huy động được vốn. Trong khi đó, ĐB Phan Việt Cường (Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam) lo lắng vấn đề đảm bảo chất lượng dự án sau khi chuyển hình thức đầu tư và đề nghị Bộ trưởng GTVT đảm bảo dự án không xảy ra các “sự cố” như nhiều công trình đầu tư trước đây.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể giải thích, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, nguồn cho vay của các ngân hàng thương mại đang cạn kiệt nên khả năng các nhà đầu tư không thu xếp thành công vốn tín dụng là rất lớn, có thể làm chậm tiến độ dự án.
Về chất lượng, ông Thể cho hay một con đường sẽ đi qua nhiều địa chất khác nhau nên để có con đường chuẩn như mặt bàn, khối thép hay khối bê tông là “hết sức khó khăn”. Cho rằng nhiều vụ án hiện là “kết quả của giai đoạn trước”, song theo ông Thể, việc nhiều lãnh đạo Bộ GTVT bị kỷ luật là bài học xương máu và đắt giá với ngành giao thông, nên trong bối cảnh hiện nay, không ai dám làm sai. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.