Bỏ đại học về quê lập nghiệp

11/12/2014 08:00 GMT+7

Đang là sinh viên năm thứ 2 ngành quản trị kinh doanh của một trường ĐH tại TP.HCM, Nguyễn Hải Đăng (23 tuổi, ngụ thị trấn Đầm Dơi, H.Đầm Dơi, Cà Mau) đột ngột rời giảng đường đi tìm ý tưởng và chế tạo thành công máy cho tôm ăn tự động.

Hải Đăng vẫn đang tiếp tục nghiên cứu cải tiến để hoàn thiện hơn máy cho tôm ăn tự động
Hải Đăng vẫn đang tiếp tục nghiên cứu cải tiến để hoàn thiện hơn máy cho tôm ăn tự động - Ảnh: Gia Bách

Chế máy cho tôm ăn tự động

Hải Đăng chia sẻ: “Gia đình tôi kinh doanh thức ăn tôm nên thỉnh thoảng nghe người dân đến mua than phiền chi phí thuê nhân công cho tôm ăn khá cao. Với lại, hầu hết bà con cho tôm ăn thủ công bằng cách đưa thức ăn lên phương tiện, sau đó bơi ra đầm rải, mất khá nhiều thời gian, lại khó kiểm soát lượng thức ăn thừa, gây ô nhiễm môi trường nước và đáy ao. Từ đó, tôi ấp ủ ý tưởng sáng chế một loại máy đặc biệt để làm việc này”.

 

Hải Đăng cho biết từ đầu năm đến nay, anh đã tung ra thị trường hơn 600 sản phẩm. Và thời điểm hiện tại, trung bình hằng tháng cơ sở anh bán ra thị trường hơn 100 cái. Cơ sở sản xuất cũng đang tạo việc làm cho gần 10 lao động là thanh niên tại địa phương.

Trong một lần ngồi uống nước cùng bạn học cũ, Hải Đăng mang ý tưởng ra chia sẻ thì được bạn ủng hộ. “Cà Mau và các địa phương lân cận có diện tích nuôi tôm công nghiệp rất lớn, nếu thành công sẽ “ăn nên làm ra”. Chúng tôi rất vui với ý tưởng của mình và bắt tay vào làm ngay”, Hải Đăng cho biết. Ngay hôm sau, Hải Đăng cùng người bạn học, Trần Văn Út (23 tuổi, ngụ cùng địa phương) vùi vào những bản vẻ, phác thảo, rồi đi tìm vật liệu để thực hiện. Ban đầu là những công tắc điện, mô-tơ bơm nước, rồi đến công đoạn tháo lắp. Sau những hôm quên ăn, thức thâu đêm thì máy cho tôm ăn tự động ra đời và được đưa đi hoạt động thử nghiệm.

Chiếc máy được thiết kế với trọng lượng chỉ hơn 20 kg nhưng chứa đến 60 kg thức ăn. Chỉ cần đổ thức ăn vào bồn, ấn bộ điều chỉnh từ xa, máy sẽ tự quay rải đều cho tôm ăn theo ý muốn. Do kiểm soát được lượng thức ăn, chiếc máy này giúp người nuôi tôm mỗi vụ tiết kiệm hàng chục triệu đồng từ thức ăn và chi phí thuê nhân công.

Không ngừng cải tiến

Chiếc máy có mặt trên thị trường đã gần một năm, nhưng niềm vui “đứa con tinh thần” được khách hàng đón nhận vẫn như ngày đầu đối với Hải Đăng. “Chúng tôi rất vui khi sản phẩm đầu tiên ra đời, được khách hàng đón nhận. Niềm vui cứ thế nhân lên khi sản phẩm được cải tiến và được khách hàng chào đón nồng nhiệt hơn”, Hải Đăng nói. Tính ưu việt của máy cho tôm ăn tự động chính là dễ vận hành và bảo trì. Khi đưa vào sử dụng, người điều khiển máy có thể điều khiển từ xa, điều chỉnh bán kính rải thức ăn bằng cách tăng tốc độ quay của mô tơ, do đó có thể phủ khắp diện tích mặt đầm nuôi. Cộng với các ống dẫn thức ăn có độ dài khác nhau, khi mô tơ quay, lực văng giúp thức ăn được rải đều, mỏng trên phần diện tích nơi đặt máy, giúp tôm có nhiều không gian để bắt mồi. Từ ưu điểm đó, người nuôi dễ dàng tính toán lượng thức ăn phù hợp trong từng giờ, buổi, ngày, hoặc từng giai đoạn phát triển của tôm… và điều chỉnh tần số rải thức ăn phù hợp.

Hải Đăng cho biết để sản phẩm ngày một ưu việt hơn, anh luôn suy nghĩ cải tiến sản phẩm. Và đến thời điểm hiện nay, dòng sản phẩm mới có trọng lượng chỉ hơn khoảng 5,7 kg, lại tiết kiệm điện nhưng giá chỉ với 2,74 triệu đồng/chiếc. “Sản phẩm này được nâng cấp từ máy cũ, trọng lượng giảm đi, bồn chứa thức có 2 loại: 30 kg và 60 kg để khách hàng dễ chọn lựa. Mẫu mã cũng được thiết kế thẩm mỹ hơn, khung máy được làm bằng inox, có bộ hộp mô tơ chống rỉ sét vào mùa mưa. Các công đoạn sản xuất từ khi bắt đầu cho đến ra thành phẩm đều do tôi tự tay làm, nên giám sát được chất lượng sản phẩm”, Hải Đăng thông tin thêm. Hiện Đăng đã xây dựng được cơ sở sản xuất khá quy mô và hoàn thiện thủ tục để đăng ký thương hiệu sản phẩm.

Gia Bách

>> Việt kiều trẻ về quê lập nghiệp
>> Cử nhân về quê nuôi rắn
>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 69: Về quê bán nước mắm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.