Bác sĩ chia sẻ những lưu ý khi nghi ngờ trẻ bị ngộ độc thực phẩm

Lê Cầm
Lê Cầm
06/05/2024 16:14 GMT+7

Khi trẻ có triệu chứng nghi ngờ ngộ độc thực phẩm, phụ huynh cần chú ý sát các dấu hiệu nôn ói, đi tiêu, nếu trẻ nôn ói nhiều, phân có máu... cần đưa trẻ đến bệnh viện để kịp thời thăm khám.

Liên tiếp nhiều trường hợp trẻ ngộ độc thực phẩm

Ngày 2.5, 15 học sinh ở 4 trường tiểu học tại TP.Thủ Đức nghi ngộ độc thực phẩm phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Phụ huynh các em học sinh bị nghi ngộ độc cho biết, sáng 2.5, các em đều ăn cơm cuộn mua trước cổng trường. Sau khi ăn khoảng 2,5 - 3 giờ thì lần lượt xuất hiện các triệu chứng buồn nôn, rồi nôn nhiều lần, đau bụng, chóng mặt, mệt mỏi, một số trẻ đi tiêu chảy sau đó.

Các chuyên gia Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM và bác sĩ nhi khoa nhận định, đây là một vụ ngộ độc thực phẩm nghi do ăn phải độc tố vi khuẩn có trong thức ăn, khả năng cao là sau khi ăn cơm cuộn bán trước cổng trường.

Tính đến 6 giờ 4.5, tổng số ca bị ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai là 529 (có 117 trẻ em)

Tính đến 6 giờ 4.5, tổng số ca bị ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai là 529 (có 117 trẻ em)

LÊ LÂM

Trước đó, như Thanh Niên  đưa tin, ngày 30.4, sau khi ăn bánh mì tại một cửa hàng ở TP.Long Khánh (Đồng Nai), hàng chục người có biểu hiện ngộ độc thực phẩm phải nhập viện cấp cứu. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nôn, tiêu chảy, sốt, đau bụng... Các bác sĩ chẩn đoán các bệnh nhân bị nhiễm trùng đường ruột và tiến hành chữa trị. 

Tính đến 6 giờ ngày 4.5, tổng số ca bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở TP.Long Khánh lên đến 529 người (có 117 trẻ em).

Những lưu ý khi nghi ngờ trẻ bị ngộ độc thực phẩm

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, thông thường trẻ bị ngộ độc thực phẩm khi ăn, uống nhầm thực phẩm bị nhiễm trùng (vi trùng, vi rút, nấm, ký sinh trùng…) hoặc tồn dư hóa chất. Các vi trùng gây bệnh trực tiếp hoặc sinh các loại độc tố gây hại cơ thể.

Bác sĩ Thu Thủy thăm khám cho một trường hộp bệnh nhi gặp vấn đề về tiêu hóa

Bác sĩ Thu Thủy thăm khám cho một trường hợp bệnh nhi gặp vấn đề về tiêu hóa

T.N

Biểu hiện của ngộ độc thực phẩm đa dạng, thường gặp nhất là các triệu chứng tiêu hóa như nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, sốt… hoặc các cơ quan khác như gan, thận, thần kinh, tim mạch. Tùy theo loại ngộ độc mà biểu hiện bệnh có thể xuất hiện ngay sau ăn hoặc sau vài giờ đến 1-2 ngày.

"Nếu trẻ chỉ nôn ói, tiêu lỏng 1-2 lần, không có dấu hiệu khác, bé vẫn tiếp tục sinh hoạt, ăn uống bình thường thì phụ huynh có thể tự theo dõi, chia nhỏ bữa ăn, cho trẻ uống thêm nước, không tự ý dùng các chất gây nôn", bác sĩ Thuỷ lưu ý.

Nếu trẻ nôn ói nhiều, không ăn uống được, phân có máu, hoặc có các dấu hiệu khác như: Sốt cao khó hạ, co giật, mệt..., thì phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện để kịp thời thăm khám.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, khi nghi ngờ trẻ ngộ độc thực phẩm cần cho trẻ uống nhiều nước lọc đun sôi để nguội, dung dịch bù nước Oresol để tránh mất nước do nôn ói và tiêu chảy.

"Phụ huynh chú ý các dấu hiệu mất nước như mắt trũng, khát, tay chân lạnh hoặc sốt cao, nôn ói, tiêu chảy nhiều thì nhanh chóng đưa đến bệnh viện để kiểm tra", bác sĩ Tiến lưu ý.

Bác sĩ Tiến khuyến cáo phụ huynh nên cho trẻ ăn các thức ăn vừa nấu chín, không bị ôi thiu, không dùng thực phẩm đã quá hạn sử dụng, rửa thật sạch các thực phẩm trước khi nấu nướng, các loại thịt cá ướp lạnh phải để cho tan đá hoàn toàn trước khi nấu nướng, bảo quản tốt thức ăn thừa tránh ruồi, gián...

Các biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM khuyến cáo một số biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm gồm:

Ăn đồ chín, còn hạn: Ăn chín, uống sôi; hạn chế ăn đồ sống hoặc tái. Không ăn thức ăn ôi thiu, đã hết hạn sử dụng.

Tách biệt đồ sống và chín: Có vật dụng chế biến riêng thức ăn chín và sống; nếu dùng chung phải rửa sạch sau mỗi lần chế biến thức ăn sống.

Đậy thức ăn: Khi không để tủ lạnh cần che đậy cẩn thận để tránh bụi, ruồi muỗi.

Đun lại: Thức ăn thừa cần đun lại ở nhiệt độ hơn 70 độ C trước khi ăn.

Bảo quản lạnh: Bảo quản thức ăn trong tủ lạnh, không nên để quá 2 giờ ở nhiệt độ thường.

Rửa tay: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh...

Vệ sinh bếp: Giữ bếp và các vật dụng làm bếp sạch sẽ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.